Bloomberg: Chính phủ Việt Nam mạnh tay cải cách ngành ngân hàng
Quá trình sáp nhập các ngân hàng Việt Nam sẽ được tăng tốc trong năm nay do các nhà hoạch định chính sách khuyến khích các ngân hàng quốc doanh hợp nhất hoặc giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước. Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình tăng cường tái cơ cấu ngành ngân hàng, thậm chí buộc ngân hàng phá sản nếu cần thiết.
Tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đang này một khẩn trương sau khi có những quy định mới về việc hạn chế sở hữu chéo của các ngân hàng, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2015.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cho biết sẽ có ít nhất 6 ngân hàng sẽ bị sáp nhập trong năm nay. Gần đây, chính phủ cũng đã có động thái bất ngờ khi quốc hữu hóa 2 ngân hàng chưa được niêm yết. Ngoài ra, Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết họ đang tìm kiếm đối tác để hợp nhất trong năm nay.
Theo kế hoạch của SBV, số ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 40 hiện nay xuống 15 vào năm 2017. Niềm tin của nhà đầu tư đang dần phục hồi do những ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập với các ngân hàng lớn. Trong khi đó, những khoản nợ xấu được Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) của nhà nước hỗ trợ mua lại.
Theo Viet Capital Securities, số lượng ngân hàng tại Việt Nam là quá nhiều. Ngay cả khi không có những vấn đề như hiện nay thì việc giảm bớt số lượng ngân hàng cũng là một động thái tích cực.
Ngoài ra, Moody’s Investors Service cũng cho rằng quy định mới về giới hạn sở hữu chéo giữa các ngân hàng sẽ thúc đẩy quá trình hợp nhất nhanh chóng hơn.
Sở hữu chéo
Việc sáp nhập ngân hàng Sacombank với ngân hàng Phương Nam, cùng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) với ngân hàng phát triển Mekong (Mekong Bank) đã được SBV chấp thuận và hầu như sẽ được hoàn tất trong năm nay.
Tính đến tháng 4/2014, Phó Chủ tịch Sacombank Trầm Bê, và là cố vấn cấp cao của ngân hàng Phương Nam, cùng gia đình đã nắm giữ hơn 20% cổ phần ngân hàng Phương Nam và 6% trong Sacombank. Trong khi đó, Maritime Bank nắm giữ 10% cổ phần của Mekong Bank. Tỷ lệ sở hữu như trên là trái với quy định mới ban hành và việc hợp nhất giữa những ngân hàng này sẽ giải quyết vấn đề về sở hữu chéo này.
VinaCapital Group đánh giá rằng SBV sẽ xem xét năm 2015 là thời hạn cuối để các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu. Theo VinaCapital Group, mua lại và sáp nhập (M&A) là một công cụ hữu ích cho việc tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Các ngân hàng yếu
Những ngân hàng niêm yết lớn nhất với sở hữu nhà nước chiếm đa số, cũng đã chọn một số đối tác yếu hơn trong ngành để sáp nhập. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến sẽ sáp nhập với MHB trong tháng này. Ngày 14/4/2015, ngân hàng Vietinbank đã được chấp thuận sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí (PG Bank).
Cổ phiếu của Vietin Bank đã tăng 28% từ đầu năm đến nay, còn của BIDV là 42%. Trong khi đó, chỉ số VNIndex của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 1,3%.
Chuyên viên tín dụng cáo cấp Eugene Tarzimanov của Moody’s nhận định số lượng ngân hàng tuyên bố sáp nhập trong năm nay cao hơn so với những năm trước đây. Ông cho rằng việc hợp nhất những ngân hàng lớn với những ngân hàng nhỏ yếu hơn sẽ hạn chế lây lan rủi ro và củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính.
Chuyên gia Tarzimanov đánh giá rằng Việt Nam đang từng bước nâng cao chất lượng của hệ thống tài chính. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải thiện ngành tài chính. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng hệ thống tài chính Việt Nam hầu như vẫn chưa có sự cải cách nhanh chóng triệt để.
Buộc phá sản
Theo SBV và chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách có thể quốc hữu hóa những ngân hàng yếu và buộc ngân hàng phá sản nếu cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ngân hàng nào phải phá sản.
Quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đã được lên kế hoạch từ trước, đặc biệt là với tuyên bố cải cách năm 2012 của chính phủ. Khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết ông sẽ giải quyết tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Nguyên nhân là những “lợi ích nhóm” của cổ đông đã thao túng hoạt động của ngành ngân hàng và gây cản trở cho quá trình cải cách.
Đại diện Sanjay Kalra của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tốc độ tái cơ cấu ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn chậm. Bà nhận định ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thể thu hút được nguồn vốn với do những khoản nợ xấu chưa được giải quyết hoàn toàn.
Nợ xấu
Công ty VAMC của chính phủ đã mua lại 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu, qua đó cải thiện tình hình ngành ngân hàng Việt Nam. Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, nợ xấu đã giảm từ 17% năm 2012 xuống 3,25% cuối năm 2014. Tuy nhiên, số liệu của Moody’s ước tính con số cao hơn, khoảng 10% vào cuối năm 2014.
Theo tổ chức Economist Intelligence Unit, việc sáp nhập Vietin Bank và PG Bank sẽ tạo ra ngân hàng mới với số vốn đăng ký lớn nhất Việt Nam (40,2 nghìn tỷ đồng) và lớn thứ 2 về tổng giá trị tài sản.
Trong khi đó, BIDV kỳ vọng việc sáp nhập với MHB sẽ mở rộng hoạt động với khoảng 1.000 chi nhánh trên toàn quốc.
Ngoài ra, Moody’s nhận định rằng những ngân hàng lớn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính cũng sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, việc ít ngân hàng hơn sẽ dễ dàng cho các cơ quan quản lý giám sát hoạt động.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cho rằng Việt Nam cần tăng cường minh bạch các khoản nợ xấu và nâng tỷ lệ sở hữu cho phép đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng nếu muốn thu hút thêm vốn nước ngoài vào khu vực này. Theo Moody’s, Việt Nam cần sự đầu tư của nước ngoài bởi nguồn vốn trong nước vẫn còn rất hạn chế.
Nguồn NDH