Các nhà sáng lập LINA.REVIEW tại Thụy Sĩ.
Blockchain chờ điểm bùng nổ
Blockchain không chỉ là tiền ảo
Làm cách nào mà các cá nhân hoặc tổ chức có thể tin tưởng tuyệt đối nhau mà không phụ thuộc vào đơn vị thứ ba? Câu trả lời cho bài toán này là: Blockchain. Blockchain là một “digital ledger” (sổ cái số), chứa danh sách các transactions tăng đều đặn được gọi là “blocks” được kết nối một cách tuần tự với nhau. Một khi block đã được đưa vào “chain”, nó sẽ không thể bị xóa bỏ.
Tưởng tượng bạn có cơ sở dữ liệu kiểu Blockchain được chia sẻ giữa các ngân hàng, sẽ tự động ghi ai sở hữu cái gì vào thời điểm nào, ai đã chuyển cho ai cái gì,số lượng bao nhiêu, vào lúc nào. Đặc biệt, dữ liệu này không ai có thể can thiệp để thay đổi nên an toàn và chính xác tuyệt đối.
Do đó, trong khi đa phần các giao dịch hiện tại đều đòi hỏi có một đơn vị trung gian như ngân hàng và các tổ chức tài chính, thì blockchain cho phép giao dịch được tiến hành trực tiếp, không cần bên thứ ba, mà vẫn đảm bảo được tính bảo mật, độ tin cậy cao. Do đó, Blockchain giúp các giao dịch trong hệ thống ngân hàng diễn ra nhanh chóng và tiết kiệm hơn.
Vì thế, công nghệ Blockchain với các đồng tiền ảo gần đây đang ngày càng nóng hơn, với đà tăng giá mạnh khi giới đầu cơ liên tục bơm tiền vào trong thời gian gần đây. Số liệu trên coinmarketcap.com cho thấy, quy mô thị trường hiện đã lên tới khoảng 600 tỉ USD.
Không chỉ là nền tảng để vận hành đồng tiền ảo bitcoin, mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Ecnomic Forum) còn nhận định “Blockchain là công nghệ mang tính cách mạng vì có thể áp dụng cho bất kỳ loại giao dịch nào liên quan đến giá trị từ tiền tệ, hàng hóa đến bất động sản. Ứng dụng tiềm năng của công nghệ này gần như bất tận, từ thu thuế đến việc cho người di cư gửi tiền về quê nhà”.
Năm 2017, có đến 90% ngân hàng lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu đang nghiên cứu và ứng dụng blockchain; thị trường công nghệ Blockchain toàn cầu năm 2024 kỳ vọng sẽ tăng gấp 70 lần so với năm 2015 với giá trị lên lến 20 tỷ USD. Tại Việt Nam, các công ty áp dụng blockchain chủ yếu trong các lĩnh vực sau: dịch vụ tài chính (hơn 83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%), năng lượng (30%), giáo dục (30%)... (Số liệu được tổng hợp và thống kê trong Báo cáo tổng quan Blockchain tại Việt Nam 2017 do Infinity Blockchain Labs thực hiện).
Các doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu hay dự án thử nghiệm về blockchain có thể kể tới Viettel, Napas, TMA Solutions… Theo Savills Việt Nam, trên thế giới, các cơ quan đăng ký đất đai đang quan tâm đến hệ thống Blockchain vì cho rằng hệ thống này có thể cho phép chuyển quyền sở hữu tài sản "gần như ngay lập tức" theo một cách an toàn.
Ông Musheer Ahmed, Hiệp hội FinTech của Hồng Kông, Thành viên của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về Mạng lưới Doanh nghiệp Bền vững tại Châu Á - Thái Bình Dương (ESBN), nhận định: “Tác động của Blockchain nằm trong ứng dụng vô cùng rộng rãi của nó trong các ngành. Blockchain có thể hoạt động hiệu quả qua biên giới, khả năng tiếp cận rất lớn do mạng Internet và mạng lưới toàn cầu hỗ trợ nền tảng blockchain”.
Những cuộc cách mạng mới
Theo ông Mitchell Phạm, đồng sáng lập Smart Links Swiss và LINA.REVIEW, công nghệ Blockchain có thể được áp dụng để giải quyết rất nhiều vấn đề trong thế giới thực. Nó tạo điều kiện để kết hợp và theo dõi tất cả các loại giao dịch và tương tác, mở khóa các rào cản truyền thống và thay đổi toàn bộ các nền công nghiệp, hay thậm chí là các quy trình quản lý chính phủ.
“Blockchain có thể đem lại sự minh bạch, loại bỏ các chi phí không hiệu quả và không cần thiết, cũng như nâng cao tính bảo mật và trao quyền cho cộng đồng thông qua việc tham gia vào hệ thống. Đây là lý do vì sao Smart Links Swiss tập trung chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tế bằng công nghệ Blockchain”.
Đáng chú ý, LINA.REVIEW là nền tảng đánh giá đầu tiên trên thế giới dựa trên blockchain, sử dụng tính bất biến của Blockchain để tạo gia sự minh bạch cao nhất có thể và tạo điều kiện cho người đánh giá có thể hưởng lợi từ những bài đánh giá chất lượng, cũng như sự tương tác trực tiếp và dễ dàng với người dùng và nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ mà hoàn toàn không cần thiết lập niềm tin từ trước đó.
LINA không chỉ là một website mà nó là một nền tảng dựa trên Blockchain nên mọi người đều có thể tự xây dựng cho mình một hệ thống đánh giá, phát triển cộng đồng riêng và tự điều chỉnh, quản lý hệ thống của mình. Tất cả các hệ thống đánh giá hoạt động trên nền tảng LINA đều sẽ được kết nối với nhau trên phạm vi thế giới.
Ông Mitchell Phạm cũng cho biết, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển blockchain. Bởi vì, người Việt Nam giỏi toán và khoa học. Điều này cho phép Việt Nam có khả năng phát triển những công nghệ như Blockchain để cung cấp cho thế giới. Thử thách là làm sao để khả năng này có thể được áp dụng một cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam để hợp tác với các quốc gia khác có kiến thức và các chuyên môn khác để giúp phát triển các giải pháp cho thế giới. Đây là mô hình được đội ngũ phát triển LINA lựa chọn và thực hiện”, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, giữa "làn sóng" Blockchain với tiềm năng nổi bật, ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh thách thức được đặt ra khi các ngành, các doanh nghiệp startup đều có xu hướng ứng dụng, phát triển dựa trên nền tảng này. “Với sự cường điệu xung quanh blockchain, chúng ta cần phải rất cẩn thận trong việc giả định nó là giải pháp tất cả các vấn đề của thế giới. Tiềm năng của công nghệ này rất thú vị, nhưng như đã đề cập trước đó, nó vẫn đang được phát triển và chưa trưởng thành hoàn toàn. Chúng ta cần phải kiên nhẫn để nó phát triển, đồng thời xây dựng nhận thức về ứng dụng của nó trong các ngành dọc ngành”, ông Musheer Ahmed cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến việc ứng dụng Blockchain chưa trở nên phổ cập chính là vì nó còn quá mới và khó tiếp nhận. Thách thức của công nghệ Blockchain tại Việt Nam là đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và quy trình chuẩn quốc tế và phù hợp được thông qua. Thứ hai, cả Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ phải đầu tư vào công nghệ cho các ứng dụng thực tế.
Theo ông Tery Chan, nhà tư vấn logistics trong thương mại điện tử cho các tổ chức quan trọng như HKTDC, Liên minh Bưu chính Châu Á-Thái Bình Dương, các nhà đầu tư cần xem xét các rủi ro tiềm ẩn, kể cả lừa đảo. Vì vậy, điều rất quan trọng là làm cho các nhà đầu tư và người dân hiểu được bản chất của công nghệ Blockchain và ứng dụng của nó”.
Không phủ nhận một số ứng dụng của Blockchain hiện còn nhiều điểm yếu chưa thể giải quyết tức thời nhưng nhìn một cách tích cực về công nghệ này, những khó khăn hiện thời sẽ mở đường cho những sản phẩm khả thi hơn trong tương lai, đưa blockchain tiến gần hơn tới kỳ vọng trở thành "the new internet" của những thập niên sắp tới.
"Blockchain sẽ thay đổi ngành công nghiệp đánh giá và xếp hạng" -Thưa ông, làm thế nào để công nghệ có thể thay đổi ngành công nghiệp Blockchain? Các nền tảng dựa trên công nghệ Blockchain thực sự giải quyết được các vấn đề hiện tại trong ngành đánh giá, xếp hạng? Mỗi ngành công nghiệp đều có đặc thù riêng và phải đối mặt với những thử thách khác nhau mà có thể được giải quyết bằng việc sử dụng công nghệ Blockchain theo những cách khác nhau. Đối với ngành công nghiệp đánh giá trực tuyến, Blockchain sẽ đem lại sự minh bạch thực sự và tính bất biến (không thể thay đổi) để có thể giành lại sự tin tưởng của người mua hàng, mà hiện nay đã bị mất với các hệ thống đánh giá truyền thống. Việc áp dụng Crypto Token cũng sẽ giúp phát triển kinh doanh và tạo ra một mô hình khuyến khích để đem lại kết quả tốt hơn cho tất cả các bên liên quan cũng như mọi người tham gia vào ngành công nghiệp này. Đây là lý do vì sao chúng tôi phát triển LINA.REVIEW. -Là một nhà đầu tư Blockchain, các tiêu chí để đánh giá tiềm năng và đưa ra quyết định đầu tư trong các ứng dụng giải pháp dựa trên Blockchain? Ông có nghĩ rằng Blockchain có thể đảm bảo tính 'minh bạch' của tất cả các thông tin, chẳng hạn như đánh giá của người dùng / xếp hạng dịch vụ? Tôi tự hỏi nhiều câu hỏi trước khi đầu tư vào các dự án Blockchain: • Ý nghĩa của vấn đề được giải quyết là gì? • Có phải Blockchain là công nghệ đúng đắn để giải quyết vấn đề đó? • Công nghệ được triển khai như thế nào? • Giải pháp có khả năng mở rộng cho sự tham gia toàn cầu? • Ai là người đứng sau dự án? • Có một cộng đồng xung quanh dự án sẽ thông qua và tham gia giải quyết vấn đề không? • Điều này sẽ thay đổi trò chơi hay ảnh hưởng đến thế giới? Trong trường hợp ngành công nghiệp xếp hạng và đánh giá trực tuyến, blockchain thực hiện đúng cách có thể đảm bảo tính minh bạch của tất cả thông tin và tương tác. Đây là cách chúng tôi đã phát triển LINA.REVIEW. Với LINA.REVIEW có thể thấy, Blockchain là công nghệ duy nhất có thể đem lại niềm tin cho những bài đánh giá online: Bằng việc đưa thông tin trung thực, minh bạch về người đánh giá; Hợp đồng thông minh để xây dựng nội dung đáng tin cậy; Tất cả các bên đều có thể thu được giá trị từ các bài đánh giá; Hoạt động qua một hệ thống phân tán không thể bị thao túng... *Mitchell Phạm, đồng sáng lập LINA.REVIEW, điều hành công ty Augen Software Group; đồng sáng lập Kiwi Connection Tech Hub – thúc đẩy công nghệ của NZ tại thị trường Đông Nam Á. Ông đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh trao giải Lãnh đạo Quốc tế Trẻ (Young Global Leader) và Tập đoàn Augen Software Group do ông sáng lập 24 năm qua được giải thưởng uy tín Red Herring dành cho Top 100 doanh nghiệp dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |