Thiên Phong Thứ Năm | 10/05/2018 07:30

Bitcoin “trưởng thành” cùng sự bất ổn

Thị trường bitcoin đã bốc hơi gần 170 tỉ USD nhưng đã tăng dần.

Sau thời gian đen tối 

Đầu năm 2018 đến nay là quãng thời gian đen tối đối với các nhà đầu tư tiền mã hóa khi giá loại tiền này giảm mạnh. Thị trường bitcoin đã bốc hơi gần 170 tỉ USD khi giá bitcoin giảm từ đỉnh gần 20.000 USD/bitcoin xuống còn 6.329 USD/bitcoin vào đầu tháng 2, nhưng đã tăng dần cho đến mốc 9.000 USD/bitcoin như hiện nay.

Các đồng tiền mã hóa khác cũng chịu chung số phận. Chẳng hạn, đồng ethereum, từ mức 1.377 USD/ethereum hồi đầu năm về chỉ còn 370 USD/ethereum vào thời điểm đầu tháng 4, theo số liệu của CoinMarketCap.

Không chỉ mức giá giảm, lượng giao dịch cũng giảm đáng kể. Theo số liệu của trang web CryptoCompare, khối lượng giao dịch trung bình hằng ngày trên các sàn giao dịch tiền điện tử giảm xuống còn 9,1 tỉ USD trong tháng 3 và 7,4 tỉ USD trong nửa đầu tháng 4, so với con số gần 17 tỉ USD trong tháng 12.2017.

Tuy nhiên, sự u ám trên thị trường từ đầu tháng 2 được xoa dịu dần với những tin tức tốt hơn. Theo CoinMarketCap, tổng giá trị vốn hóa các loại tiền mã hóa tăng từ mức 310 tỉ USD vào đầu tháng 2 lên mức 422 tỉ USD ở thời điểm gần cuối tháng 4. Thậm chí, trên thị trường chính thức với sản phẩm bitcoin tương lai ở CME và CBOE (Mỹ), lượng giao dịch cũng trở nên khả quan hơn.

Một trong những thông tin tích cực giúp giá bitcoin điều chỉnh trở lại từ tháng 3 đến nay là vì Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), cơ quan phụ trách quản lý tài chính cho nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20), từ chối lời kêu gọi của một số thành viên như Nhật, Pháp và Đức về việc tăng cường phát hành các quy định giám sát đồng tiền mã hóa như bitcoin. Người đứng đầu FSB, ông Mark Carney, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nói với các thành viên G20 rằng tiền mã hóa không “gây nguy hiểm” cho nền kinh tế thế giới.

Trước đó, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng cho rằng, bitcoin và công nghệ blockchain đứng sau có tiềm năng thực hiện cuộc cách mạng nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn trong thế giới tài chính. Theo bà, tài sản mã hóa là “nỗi sợ hãi không cần thiết”.

Sự lo ngại trước đây về việc thắt chặt các quy định quản lý tiền mã hóa ở những quốc gia phát triển gần như được gỡ bỏ, cũng như nhận xét từ các quan chức đã giúp đẩy nhanh các loại tiền mã hóa bật lên trở lại. Các đồng tiền mã hóa có quy mô giá trị vốn hóa lớn như ethereum, ripple hay và bitcoin cash thậm chí còn tăng mạnh hơn cả bitcoin.

Sự gia nhập của "tay to" phố Wall

Tuy nhiên, bối cảnh chung của thị trường tiền mã hóa đã thực sự thay đổi trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, các quảng cáo tiền mã hóa gần đây buộc phải biến mất khỏi các trang internet hàng đầu, hay sự gia nhập của những “tay to” phố Wall.

Những thông tin mới đây cho hay quỹ đầu tư của “vua đầu cơ” George Soros hay gia tộc Rockefeller đã và đang sẵn sàng bước vào thị trường tiền mã hóa. Goldman Sachs thông báo thuê nhà giao dịch tiền mã hóa Justin Schmidt, sẽ quản lý mảng tài sản ảo cho các khách hàng hiện hữu thuộc phòng chứng khoán.

Reuters dẫn lại cuộc khảo sát hơn 400 định chế tài chính của Thomson Reuters, cho biết có 20% trong số đó đang xem xét giao dịch tiền điện tử trong 12 tháng tới và 70% cho biết họ có kế hoạch bắt đầu giao dịch trong 3 đến 6 tháng tới. Cũng cần lưu ý rằng sẽ có rất ít tổ chức công khai kế hoạch giao dịch tiền mã hóa.

Bitcoin “truong thanh” cung su bat on
 

Tại Việt Nam, thị trường đầu tư và đầu cơ tiền mã hóa cũng có những bước chuyển mới khi thông tin tiền mã hóa xuất hiện dày đặc trên truyền thông dưới góc độ tiêu cực. Hồi đầu tháng 4 vừa qua, đã có nhiều người ở TP.HCM tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng với số lượng người bị lừa lên đến 32.000 người vì đã tham gia vào mô hình đầu tư tiền ảo iFan, pincoin.

Tất nhiên, con số 15.000 tỉ đồng này còn phải chờ kiểm chứng lại, nhưng đường đi của dòng tiền đầu cơ này đã được NCĐT cảnh báo trước đây với hoạt động phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICO), mô hình ủy thác cho vay và kinh doanh đa cấp. Thực tế, những lời cảnh báo xuất hiện trên các diễn đàn từ hồi tháng 2, là thời điểm mà bitconnect, một tượng đài trên thế giới về mô hình hoạt động tương tự, cũng sụp đổ. Giá trị vốn hóa của đồng bitconnect thời đỉnh cao là gần 2,3 tỉ USD, nay chỉ còn lại 11,7 triệu USD.

Thực ra, sự kết hợp giữa bong bóng và mô hình ponzi là một trong những mảng tối của tiền mã hóa không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới, bao gồm cả những lừa đảo cáo buộc hay hoạt động hack.

Tuy nhiên, thực tế, các hoạt động giao dịch trên sàn giao dịch quốc tế vẫn diễn ra khá sôi nổi. Một thống kê không chính thức trong năm ngoái cho thấy có khoảng 60.000 nhà đầu tư tiền mã hóa ở Việt Nam, con số này liệu còn được bao nhiêu sau chuỗi đi xuống của thị trường vừa qua? Và với sự hấp dẫn trở lại của thị trường, liệu sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia?

Vào thời điểm này năm ngoái, đồng bitcoin bắt đầu chuỗi ngày tăng giá với mức khởi đầu 1.000 USD/bitcoin. Liệu bức tranh tiền mã hóa có tươi sáng trong những tháng còn lại của năm? Dù vậy có thể chắc chắn rằng sự tham gia của những ông vua đầu cơ trên thị trường tài chính sẽ còn đẩy mức biến động của các đồng tiền mã hóa trở nên khó lường hơn, trừ khi các đồng tiền mã hóa thực sự chứng minh được tính hữu dụng của chúng.