Hoàng Hạnh Thứ Hai | 10/04/2017 09:00

Bịt lỗ hổng thất thoát trong cổ phần hóa: Liệu có khả thi?

Thất thoát nhiều nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là ở khâu định giá các khối tài sản khoáng sản, đất đai...

Gần đây, có nhiều dư luận về khối tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ở Công ty Bóng đèn Điện Quang, hay cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã định giá quá rẻ nhiều khu đất vàng... Những vụ việc này một lần nữa cho thấy khả năng thất thoát tài sản nhà nước trong chủ trương cổ phần hóa. Sự thất thoát là không thể tránh khỏi khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng không có nghĩa là không thể kiềm chế, hạn chế tới mức thấp nhất.

Câu hỏi về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) bán hơn 3,9 triệu cổ phần của Bóng đèn Điện Quang cho nhà đầu tư theo giá thỏa thuận một lần nữa được ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đặt ra khi trao đổi với NCĐT. Bởi lẽ, nếu đấu giá cổ phiếu của doanh nghiệp hàng tiêu dùng có tiếng như Bóng đèn Điện Quang, giá trị thương vụ sẽ đạt được ở mức cao nhất. Không thể viện dẫn rào cản nào cho việc thực hiện phương án này bởi thời điểm năm 2014, thị trường chứng khoán đã tương đối phát triển. Thêm nữa, các quy định của Nhà nước về công khai, minh bạch trong cổ phần hóa là cơ sở để SCIC mạnh tay tổ chức đấu giá phần tài sản này.

“Nếu người bán cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang là doanh nghiệp tư nhân, chắc chắn, họ sẽ lựa chọn đấu giá để thu lợi nhiều nhất. Vấn đề ở đây là tại sao lại có một thương vụ... dại khờ như vậy?”, ông Hải đặt câu hỏi. Trong bối cảnh việc thoái vốn tại những doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco),Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang được tiến hành..., một câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan quản lý là vô cùng cần thiết. Dư luận sẽ khó có thể chấp nhận một sự thất thoát tương tự bởi gánh nặng nợ công đang tăng, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn...

Tất nhiên, công khai, minh bạch không thể thực hiện nửa vời. Rút kinh nghiệm từ tình trạng “đúng quy trình” phổ biến ở Việt Nam, vị chuyên gia chỉ rõ, công khai, minh bạch là phải cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư ở những thời điểm thích hợp. Các nhà đầu tư phải có thời gian tìm hiểu về thương vụ, họp bàn trước khi đưa ra quyết định.

Bit lo hong that thoat trong co phan hoa: Lieu co kha thi?
 

Một yếu tố quan trọng khác là cải cách thể chế kinh tế tương thích với sự phát triển chung của kinh tế thế giới, tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô tốt, trong đó, doanh nghiệp tư nhân được đối xử sòng phẳng và hỗ trợ phát triển. Nếu làm được như vậy, giá trị thương vụ sẽ tăng do nhà đầu tư có cơ sở để kỳ vọng những mức lợi nhuận cao hơn khi mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước. Chắn hẳn đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Trăn trở với phương án cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ, trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh tới sự bất bình thường, không thể tránh được thất thoát của những thương vụ này.

Thứ nhất, tài sản nhà nước được cổ phần hóa nhưng đối tượng trực tiếp đứng ra thương thảo là những cá nhân được Nhà nước ủy quyền, đồng nghĩa người bán không phải là chủ sở hữu của tài sản. Chính vì thế, quy tắc “thuận mua vừa bán” vẫn được hiểu là tương đương giá trị dễ dàng bị biến tướng thành kiểu chia sẻ lợi ích giữa người bán và người mua. Nguy cơ này chỉ có thể bị hạn chế bởi một chế tài mạnh mẽ xử lý trách nhiệm cá nhân gây ra thất thoát tài sản khi cổ phần hóa. Rất tiếc, Việt Nam chưa làm được điều này.

Thứ hai, trong trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém, giá trị thương vụ là một câu hỏi khó. Tài sản quý báu ban đầu mà các doanh nghiệp nói trên được Nhà nước giao quyền sở hữu đã bị tiêu tán, giá trị doanh nghiệp không thể được tính theo giá thị trường. Tuy nhiên, nếu không cổ phần hóa, ngân sách nhà nước tiếp tục phải bù lỗ cho doanh nghiệp, chưa kể, chúng còn là đá tảng cản trở việc hình thành một nền kinh tế lành mạnh. Những lý do trên khiến cho người bán yếu thế khi thương thảo với người mua, từ đó, mở rộng mảnh đất cho tiêu cực.

Thứ ba, nhà đầu tư nhìn thấy mối lợi gì từ việc mua lại cổ phần của những doanh nghiệp kém cỏi như vậy? Nếu đó là những mối lợi ngoài những tài sản đã thể hiện trong thương vụ, phải đặt lại vấn đề về việc kiểm kê, định giá tài sản của doanh nghiệp. Nói một cách hình tượng, trong đồng nát cũng có thể lẫn vàng.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp nhà nước thường sở hữu những khối tài sản giá trị khổng lồ về khoáng sản, đất đai... Thất thoát nhiều nhất trong quá trình cổ phần hóa chính là ở khâu định giá khối tài sản này. Nhìn nhận vấn đề trên, khi yêu cầu thực hiện 4 tổng công ty của Bộ Xây dựng trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết của các tổng công ty, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Hay mới đây, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng đưa ra dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm mang lại sự minh bạch, công khai theo hướng thị trường khi cổ phần hóa, đặc biệt là việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Nghị định này nếu được thực thi có thể ngăn chặn nạn nhiều doanh nghiệp nhà nước “ôm” đất vàng giá rẻ sau cổ phần hóa.

Ông Lê Cao Đoàn cho rằng, để hạn chế thất thoát, công khai minh bạch sổ sách kế toán, tài sản hữu hình và vô hình phải đi kèm với cơ chế giám sát của nhiều bên, là những đơn vị được Nhà nước giao quản lý vấn đề này. Nhưng như vậy đã đủ? Đã từng có đề nghị thuê tổ chức nước ngoài định giá độc lập tài sản của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa như một cách trấn an những nghi ngại của người dân về việc thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, đề xuất này chỉ được đưa ra với các doanh nghiệp lớn đang hái ra tiền như Habeco, Sabeco... Đối với những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ, rất dễ nhầm tưởng rằng “còn gì đâu mà phải đong đếm cẩn thận?”. Nhưng sự thật, nói như chuyên gia Lê Cao Đoàn, đây chính là kẽ hở đầu tiên của những thất thoát sau này.

Hoàng Hạnh