Bình Định rút giấy phép dự án xây nhà máy ô tô 1 tỷ USD của Nga
Tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) cho biết, Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội vừa có quyết định rút giấy phép đầu tư dự án xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ của một DN Nga do chậm triển khai.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bus Industrial Centre do Công ty TNHH Buscenter Met (Nga) đầu tư được thành lập để xây dựng dự án nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các loại máy nông nghiệp cùng các dịch vụ hỗ trợ trên diện tích 50 héc ta tại khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.
Dự án có vốn đăng ký 1 tỉ USD, tuy nhiên, sau gần 3 năm được cấp giấy phép, dự án vẫn án binh bất động.
Được biết, đây là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất tại địa phương này được cấp phép đầu tư từ trước đến nay. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn không được triển khai như cam kết.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, mới đây cơ quan này cũng đã rút giấy chứng nhận đầu tư một dự án FDI chậm tiển khai khác là dự án xây dựng nhà máy điện gió Nhơn Hội của Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư Viettracon (Đức) hợp tác với Công ty Green Venture Invest AG (Thụy Sĩ).
Dự án bị rút giấy phép này có số vốn đăng ký đầu tư 109 triệu USD tại khu vực sườn phía Tây núi Phương Mai thuộc khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô diện tích khoảng 600 héc ta đất được cấp phép vào năm 2014.
Theo thiết kế, nhà máy có công suất 61,1 MW, giai đoạn 1 công suất là 30,55 MW dự kiến vận hành năm 2016, và giai đoạn 2 nâng tổng công suất lên 61,1 MW vào năm 2020. Nhà máy sẽ được đấu nối vào hệ thống điện ở cấp điện áp 110 KV, chuyển tiếp trên đường dây 110 KV Nhơn Hội – Phước Sơn. Tuy nhiên đến nay nhà đầu tư cũng vẫn chưa triển khai thực hiện dự án này.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, địa phương này luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo cam kết. Việc địa phương này quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai nhằm mục đích tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn đến tìm hiểu và quyết định đầu tư.
Mới đây nhất, vào tháng 3/2016, hai nước Việt-Nga đã chính thức ký Nghị định thư hợp tác về ô tô. Theo nghị định thư này, các doanh nghiệp sản xuất của Nga (Kamaz, Gaz, UAZ…) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Ô tô do liên doanh sản xuất phải phù hợp với các định hướng của Chính phủ tại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa với Nga đạt 25-35% vào năm 2020 và sẽ tăng theo từng giai đoạn.
Nếu một liên doanh không đạt được mức nội địa hóa đã cam kết nêu trên sau 10 năm thì sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn định hướng sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á, do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.
Trong thời gian đầu, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò thị hiếu của thị trường. Ngoài ra, các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế trong vòng 5 năm. Nghị định thư sẽ chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2016.
Nguồn DDDN