Nguồn ảnh: zing.vn

 
Vũ Hoài Thứ Ba | 22/09/2020 13:30

BIMICO dậy sóng nhờ đầu tư công

Với lợi thế là một đơn vị có trữ lượng đá lớn, đi cùng làn sóng đầu tư công đang là chất xúc tác mạnh đối với BIMICO.

Nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính khác suy yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020 tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 250.500 tỉ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá trị giải ngân đầu tư công đạt hơn 50,7% kế hoạch cả năm 2020 đã điều chỉnh.

Cú hích đầu tư công 

Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán VNDirect, đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa trong những tháng tới do Chính phủ có kế hoạch triển khai 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông ngay trong tháng 9 này. Các dự án trên bao gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Trong báo cáo chiến lược được công bố hồi tháng 4.2020, VNDirect đã thực hiện ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, dự toán chi phí xây dựng được quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BXD (ban hành ngày 26.12.2019) của Bộ Xây dựng. Thứ 2, cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018.

 

Với kịch bản cơ sở của VNDirect, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỉ đồng nhựa đường, 7.600 tỉ đồng thép xây dựng và 3.800 tỉ đồng xi măng.

Bên cạnh đó, VNDirect nhận thấy nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực.

Trong làn sóng đầu tư công, nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi lớn, không chỉ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh mà còn là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán.

BIMICO hưởng lợi 

Trong làn sóng đầu tư công, ngành đá xây dựng được đánh giá rất tích cực. Do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá được giao tại công trình có thể cao gấp đôi so với giá giao tại mỏ.

VNDirect cho rằng các mỏ đá của những công ty niêm yết nằm gần dự án sẽ được ưu tiên huy động do lợi thế về thời gian vận chuyển cũng như quy mô và chất lượng sản phẩm. Theo ước tính của VNDirect, 2 dự án cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết.

Hai mỏ đá ở phía Bắc (Bãi Giang và Gò Trường) của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, mã KSB) cũng nằm tại các vị trí thuận lợi để cung cấp đá cho các dự án cao tốc tại Nghệ An và Thanh Hóa. Theo đó, Bimico trở thành cái tên sáng giá trong bối cảnh ngành đá xây dựng được hưởng lợi từ làn sóng xây dựng.

Cổ phiếu KSB của Bimico đã bứt phá mạnh trong thời gian gần đây. Lũy kế từ đầu tháng 8 đến ngày 16.9, giá cổ phiếu KSB đã tăng hơn 53,2%, vượt trội so với mức tăng hơn 12,6% của chỉ số VN-Index.

Mới đây, Evli Emerging Frontier Fund, một quỹ mở được thành lập tại Phần Lan, đã trở thành cổ đông lớn của Bimico. Quỹ này đã hoàn tất việc mua 500.000 cổ phiếu KSB vào ngày 7.9, nâng tỉ lệ sở hữu tại đây lên mức 5,43%, tương đương với 2,9 triệu cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm 2020, Bimico đạt hơn 693,8 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt gần 158,8 tỉ đồng, tăng nhẹ 3,9%. 

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, năm 2020 Bimico có thể khai thác được 1,13 triệu m3 đá. Công ty đang đẩy nhanh tiến độ xin giấy phép mỏ Tam Lập quy mô gần 10 triệu m3 để bù đắp mỏ Tân Đông Hiệp. Hiện tại, sau mỏ Tân Đông Hiệp, thì mỏ đá Phước Vĩnh và Tân Mỹ là 2 mỏ đá lớn nhất tính tới hiện tại của Bimico với công suất tối đa khai thác được cấp phép tại 2 mỏ này đạt 2,7 triệu m3/năm với trữ lượng khai thác còn lại hơn 22 triệu m3 đá, thời gian cấp phép lần lượt vào tháng 1.2023 và tháng 8.2029.

Nguồn ảnh: TL
Nguồn ảnh: TL
 

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Bimico là một trong những đơn vị có trữ lượng đá lớn nhất trong ngành khoáng sản hiện nay. Do vậy, việc gia tăng đầu tư công từ Chính phủ và nhất là khu vực miền Nam trở thành chất xúc tác mạnh cho Bimico.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn, thương vụ M&A với Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) mà Bimico đang theo đuổi cũng sẽ bổ sung trữ lượng đá, giúp Công ty hướng đến các đại dự án như sân bay Long Thành.

Ở khía cạnh đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng giá cổ phiếu KSB đã tăng nhiều trong thời gian qua khiến cho P/E dự báo gần với mức trung bình 6 năm và dư địa tăng trưởng về giá của cổ phiếu không nhiều. Vì vậy, công ty chứng khoán này đánh giá mức nắm giữ đối với cổ phiếu KSB.