CNBC

 
Thứ Sáu | 21/07/2017 15:49

Bill Gross: Khủng hoảng sẽ xảy ra nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất

Nợ của khối doanh nghiệp phi tài chính chiếm hơn 70% GDP Mỹ, gần với mức của giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008.

Huyền thoại đầu tư trái phiếu Bill Gross nói rằng chỉ cần thêm vài lần nâng lãi suất nữa thôi, kể cả với đà tăng dần dần của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.

Trong một thông điệp gần đây gửi tới các nhà đầu tư, Gross viết: "Các nền kinh tế ngày nay, vốn đã hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách tiền tệ dễ dàng trong những năm gần đây, có thể sẽ khó chấp nhận đường cong lợi suất bằng phẳng như những thập niên trước đó. Các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư nên thận trọng khi xem xét việc thắt chặt và 'bình thường hoá' các mức lãi suất ngắn hạn".

Fed đã có 4 lần tăng lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) kể từ tháng 12/2015, vốn là đợt tăng lãi suất đầu tiên trong gần một thập kỷ.

Những nhận định mới nhất của Gross lặp lại các khuyến cáo trước đó của ông, và tương tự như những mối quan ngại từ một số người khác. Có người cho rằng Fed nên trì hoãn tăng lãi suất khi lạm phát đang chững lại. Một cuộc khảo sát của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đã chỉ ra rằng "rủi ro đuôi" (xác suất xảy ra thấp, nhưng hậu quả nghiêm trọng) được nhiều người lo ngại thứ nhì vẫn là việc Fed gây sai lầm về mặt chính sách.

Đường cong lợi suất đang trở nên phẳng hơn, khi lợi suất trái phiếu dài hạn đang ngày càng tiến gần lợi suất trái phiếu ngắn hạn. Hiện tượng này thường diễn ra trước khi nền kinh tế đi xuống, và là một yếu tố tiên đoán chính xác một cách kỳ lạ về suy thoái kinh tế.

Bill Gross: Khung hoang se xay ra neu Fed tiep tuc nang lai suat
Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đang giảm mạnh. Ảnh: FT

Logic của Gross là việc tăng lãi suất dần dần vẫn có thể có tác động lớn đến chi phí vay vốn của các tập đoàn và cá nhân, khi lãi suất vẫn còn ở gần mức thấp lịch sử. Ví dụ, nếu tăng lãi suất 0,25% sẽ khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng của Bộ Tài chính Mỹ tăng thêm 25 điểm cơ bản (vốn có xu hướng biến động cùng chiều theo lãi suất quỹ liên bang). Khi đó, lợi suất trái phiếu ngắn hạn sẽ tăng gấp đôi khi lãi suất tăng thêm 85 điểm cơ bản.

Ông Gross nói: "Những lần tăng lãi suất tương tự trước các cuộc suy thoái kinh tế năm 1991, 2000 và 2007-2009 chỉ làm lãi suất ngắn hạn tăng 10-20%."

Huyền thoại trái phiếu này cũng cho biết lãi suất thấp đã kéo dài sự sống của các tập đoàn zombie (xác sống). Theo Ủy ban Dự trữ Liên bang (FRB), nợ của doanh nghiệp phi tài chính tại Mỹ hiện chiếm hơn 70% GDP, gần với mức của giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008. Các khoản cho vay học phí đại học hơn 1.000 tỷ USD có lãi suất thả nổi cũng đang tạo áp lực lên tài chính hộ gia đình. Việc Fed nâng lãi suất và đẩy chi phí đi vay tăng lên có thể gây ra sự hủy hoại không thể phục hồi với chi tiêu tiêu dùng.

Bill Gross: Khung hoang se xay ra neu Fed tiep tuc nang lai suat
Mỗi lần đường cong lợi suất (màu xanh) đi xuống là đều kéo theo sụt giảm tăng trưởng GDP (màu đỏ). Ảnh: themarketmogul.com

Gross cho rằng một nền kinh tế có tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ khiến cho tăng trưởng nhạy cảm hơn trước việc tăng lãi suất ngắn hạn và đường cong lợi suất phẳng.

Cuối cùng, ông Gross cho rằng lỗi là ở các ngân hàng trung ương. Ông nói rằng việc thoát khỏi chính sách tiền tệ bất thường có thể khiến mọi thứ trở nên xấu đi, mặc dù các nhà hoạch định chính sách vẫn tự tin rằng họ có thể kết thúc một thời kỳ kích thích kinh tế bất thường mà không gây ra hậu quả nào nghiêm trọng.

Vốn được biết đến là một người hay phê phán việc nới lỏng định lượng, Gross đã từng mô tả chương trình mua trái phiếu của Fed như một kế hoạch kim tự tháp kiểu Ponzi.

Bá Ước

Nguồn Market Watch