Thứ Bảy | 14/06/2014 09:37

Biến Việt Nam thành công xưởng điện tử toàn cầu

Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam, tạo cú hích cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
Ngày 11/6/2014, Công ty Công nghệ toàn cầu Laird (Anh) đã chính thức khánh thành nhà máy đầu tiên của mình ở Việt Nam. Nhà máy này đặt tại Bắc Ninh - nơi đang dần trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, với hàng loạt nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và hai nhà máy sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) quy mô lớn của Samsung và Nokia.

Ông David Lookwood, Tổng giám đốc Laird cho biết, nhà máy ở Bắc Ninh của Laird chính là sự bổ sung cho trung tâm thiết kế mới của Laird và Công ty Chế tạo khuôn mẫu Model Solution mà Laird mới mua tại Seoul (Hàn Quốc), cũng như các nhà máy khác tại Trung Quốc, Malaysia. Hiện tại, Laird có 14 nhà máy ở châu Á, chuyên thực hiện việc nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế và chế tạo sản phẩm.

“Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu cho nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu và chúng tôi vinh dự trở thành một trong số đó. Việc Nhà máy Laird chính thức đi vào hoạt động sẽ củng cố hơn nữa năng lực sản xuất và thiết kế của Laird trên toàn thế giới, đồng thời là cơ sở cho triển vọng phát triển năm 2014 và xa hơn nữa của Công ty”, ông David Lookwood nói.

Không tiết lộ danh tính các khách hàng của mình, song với sản phẩm chính là các linh kiện điện tử, lãnh đạo của Laird cũng không giấu giếm kỳ vọng phục vụ tốt hơn cho các nhà sản xuất ĐTDĐ thông minh, thiết bị điện tử cầm tay và các loại thiết bị khác, cũng như mục tiêu tăng cường sự hiện diện toàn cầu và mở rộng tiếp cận tới các thị trường chủ chốt trong khu vực châu Á.

Điều này gần như có thể được hiểu rằng, Laird đến Việt Nam vì Samsung và Nokia và có thể là vì cả nhà máy sản xuất ĐTDĐ và các sản phẩm điện tử của LG tại Việt Nam. Thực ra, Laird không phải là cái tên duy nhất đến Việt Nam vì sức hấp dẫn của các nhà máy sản xuất ĐTDĐ quy mô lớn ở Việt Nam, trong đó Samsung là lớn nhất (với hai nhà máy 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và 2 tỷ USD ở Thái Nguyên).

Sự khác biệt nằm ở chỗ, Laird không phải là nhà đầu tư Hàn Quốc như lâu nay, mà là nhà đầu tư đến từ Anh. Điều này càng khẳng định sức hấp dẫn của “công xưởng sản xuất hàng đầu” của Việt Nam.

Theo tin từ Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), trong số 60 nhà cung ứng linh kiện hiện tại cho SEV, thì có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 của Việt Nam và 10 là từ các quốc gia khác. Và không chỉ tập trung ở Bắc Ninh (28 nhà cung cấp), các nhà đầu tư còn tìm đến Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… để xây dựng nhà máy của mình. Sau khi nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vệ tinh cũng đã tìm đến tỉnh này. Hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử đầu tư ở Thái Nguyên.

Thông tin thời gian gần đây cho thấy, Hải Phòng cũng đang trở thành điểm đến của các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử.

Ngày 6/6 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã cấp chứng nhận đầu tư cho CTCP 4P Electronics, do 3 nhà đầu tư (gồm Công ty TNHH 4P, 1 nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam và 1 nhà đầu tư quốc tịch Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án có vốn đầu tư 600 tỷ đồng này dự kiến sẽ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, bán thành phẩm, bảng mạch điện tử… cho các thiết bị điện tử, viễn thông và tin học.

“Xuất khẩu các mặt hàng điện tử và linh kiện điện tử của Việt Nam đã tăng gần 68% năm 2012 và tăng 35% năm 2013... Đó là lý do vì sao, Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu nước ngoài trong các lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin”, ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, công ty của Thái Lan chuyên tổ chức các triển lãm về công nghiệp phụ trợ, phân tích.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện