Chủ Nhật | 15/06/2014 08:05

Biển lấn đất liền ngày càng dữ dội

Hàng loạt nhà cửa, đất sản xuất, rừng phòng hộ và ngay cả một số công trình đê kè lần lượt bị sóng biển cuốn phăng.
Dọc theo chiều dài bờ biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có những đoạn, biển lấn sâu vào đất liền cả trăm mét mỗi năm. Rượt đuổi

Trước đây, đai rừng ven biển (rừng phòng hộ chắn sóng, có nhiệm vụ chống xói lở, bảo vệ đê biển) thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) nhiều nơi có bề dày hơn 300 mét. Hiện tại, những nơi đai rừng dày nhất cũng chỉ còn lại khoảng 100 mét. Rất nhiều chỗ bờ biển chạy dài mút tầm mắt chỉ còn trơ trọi bờ... nối liền với biển. Chưa dừng lại, “tình trạng sạt lở tiếp tục đẩy nước biển lấn sâu vào đất liền thêm vài chục mét mỗi năm”, ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, ái ngại cho biết.

Năm ngoái, ở những đoạn bờ biển không còn lá chắn rừng phòng hộ, biển tiếp tục “tấn công” sâu vào đất liền thêm hàng chục mét. Ở đoạn đê biển dài khoảng 1,5 ki lô mét thuộc hai ấp Cầu Muống và Tân Phú, nước biển đã vượt qua phần đất bên ngoài, uy hiếp chân đê. Những đợt sóng cao đã làm đổ sập ba căn nhà của người dân ở ấp Cầu Muống. Có trường hợp bị biển “rượt đuổi”, người dân đã “tháo chạy” mà không còn điều kiện bốc dỡ phần mộ người thân. “May mắn là thân đê đoạn này đã được mở rộng thêm 4 mét hồi năm 2012, nếu không nguy cơ vỡ đê rất lớn”, ông Lê Trấn Thủ, một cư dân làng biển vùng này nói. Theo người dân ở đây, những khi triều lên cao còn cách mặt đê khoảng 1 mét, sóng cứ đâm thẳng vào bờ, nước biển không chỉ xâu xé chân đê mà từng đợt, từng đợt tràn ào ào qua mặt đê.

Ở tỉnh Trà Vinh, sạt lở bờ biển huyện Duyên Hải cũng là mối nguy từ nhiều năm qua. Trước khi tấn công đất liền, sóng biển đã “đốn” sạch hơn 10 héc ta rừng phòng hộ. Nghiêm trọng nhất gần đây là vụ sạt lở hoàn toàn hơn 2 ki lô mét đê biển hồi cuối năm ngoái ở các xã Trường Long Hòa, Dân Thành, Hiệp Thạnh. Trong tai họa này, sau khi phòng tuyến chính là con đê bảo vệ bờ biển bị bẻ gãy, gần 100 căn hộ và nhiều diện tích hoa màu phía bên trong đê tiếp tục bị nước biển tấn công. Một người nông dân than thở: “Hầu hết người dân trồng rau màu ở khu vực sạt lở này nếu không bị nước biển cướp mất đất đai thì cũng bị nó quét sạch thành quả lao động”. Mới đây, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Nguyễn Phong Quang, sau chuyến thị sát vùng ven biển Duyên Hải trở về đã thở dài: “Trong thời gian ngắn, biển đã lấy mất một ấp của huyện rồi!”.

Theo thống kê hồi cuối tháng 4-2014 của UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài sạt lở ven biển ở tỉnh này là hơn 40 ki lô mét, trong đó có 4 khu vực sạt lở nguy hiểm dài hơn 17 ki lô mét thuộc các khu vực đê biển Tây; cửa biển Gành Hào, huyện Đầm Dơi; khu dự trữ sinh quyển khu vực Mũi Cà Mau và bãi biển Khai Long. Mức độ sạt lở trong 5 năm qua, có nơi biển đã ăn sâu vào đất liền hơn 100 mét.

Ở Sóc Trăng, tuyến đê biển dài 72 ki lô mét đã bị sóng biển nuốt chửng nhiều đoạn thuộc huyện Vĩnh Châu và Cù Lao Dung. Giáp Sóc Trăng, tuyến đê biển tỉnh Bạc Liêu dài 56 ki lô mét chỉ chịu nổi bão cấp 9.

Ở vùng biển Tây trên hướng Kiên Giang, từ An Minh đến Kiên Lương, tuyến đê phòng hộ dài gần 100 ki lô mét có trên 60 điểm bị sạt lở, trong đó tuyến đê qua các xã Tây Yên, Vân Khánh (huyện An Biên), Thổ Sơn, Bình Sơn, Bình Giang (huyện Hòn Đất) có hơn 20 đoạn bị đứt vì sóng biển, có chỗ rộng tới 10 mét.

Giữ đất

Theo ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang), dự kiến phương án bảo vệ đê tạm thời là dùng bao cát xây dựng một bờ kè mềm chạy song song với đê biển, cách đê biển khoảng 300 mét về phía biển, để thay thế vai trò của đai rừng phòng hộ. Tuy nhiên, trong khi phương án này chưa được triển khai thì mỗi độ triều cường, ở những vị trí xung yếu không còn đai rừng, sóng biển cứ hất tung bao nhiêu thứ rác rưởi trôi nổi ven biển vào phía bên trong đê. Song, đó chỉ mới là biện pháp bảo vệ đê, hạn chế sạt lở, xói mòn để giữ đất. “Đáng lo ngại nhất là hiện còn khoảng 40 hộ dân sinh sống (để giữ đất riêng của họ - PV) phía bên ngoài đê, vùng đe dọa tiếp tục sạt lở trong mùa mưa bão năm nay”, ông Trường nói.

Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (CCTL&PCLB) Tiền Giang, huyện Gò Công Đông có trên 20 ki lô mét bờ biển đang trong tình trạng sạt lở hàng năm thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền. Hơn 10 ki lô mét bờ biển ở huyện Tân Phú Đông cũng đang trong tình trạng tương tự. Dự án 20 ki lô mét đê biển Tân Thành – Vàm Láng đang từng bước triển khai như một biện pháp cấp cứu cho tình trạng sạt lở ven biển Gò Công Đông.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng CCTL&PCLB Tiền Giang, cho rằng các công trình phải được kết hợp vật liệu cứng và rừng phòng hộ mới phát huy tác dụng cao. Biện pháp thường xuyên và lâu dài vẫn là bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển do chi phí xây dựng đê kè rất tốn kém. Phương án giữ giới hạn về kinh phí của tỉnh Tiền Giang nghe có vẻ phù hợp, nhưng khi đất liền đã bị biển “chiếm cứ”, thì việc “đòi lại” chắc chắn sẽ tốn kém hơn với những hình thức lấn biển như Kiên Giang, Cà Mau đang làm.

Trong khi Tiền Giang còn ưu tiên giải pháp mềm trước tình trạng xâm lấn ồ ạt của biển, tỉnh Trà Vinh đã mạnh tay trong việc triển khai công trình xây dựng bờ kè kiên cố bảo vệ đoạn bờ biển xung yếu có tổng chiều dài hơn 3.500 mét, bảo vệ tuyến sạt lở thuộc địa bàn xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải. Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng dự toán khoảng 204 tỉ đồng từ nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo dự kiến, toàn tuyến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Ông Dương Văn Liệu, chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa, cho biết cuối năm 2013 công trình đã thi công được 750 mét. Năm nay tiếp tục hoàn thành khoảng 2.000 mét nữa. Ông Liệu cho rằng phải ưu tiên chống mất đất trước rồi mới tính đến chuyện bảo vệ tính bền vững cho công trình kè bằng biện pháp mềm, từng bước khôi phục và phát triển rừng phòng hộ. Theo ông Liệu, biển đang tấn công ào ạt mà chờ trồng rừng phòng hộ thì chẳng khác nào đem giao cả rừng mới trồng và đất liền còn lại phía bên trong cho sóng biển.

Ý kiến trái chiều

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


Sự kiện