Biến động nhân sự cấp cao sau các thương vụ M&A ngân hàng
Tại Việt Nam, gần đây có 2 thương vụ M&A ngân hàng đã hoàn tất, thương vụ thứ nhất là hợp nhất các Ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn; thương vụ thứ 2 là sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Ngoài ra, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang có ý tưởng về việc sáp nhập.
Nhân sự Ficombank nắm giữ các vị trí chủ chốt tại SCB hợp nhấtBa Ngân hàng thương mại cổ phần Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) tự nguyện hợp nhất thành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Tại thời điểm hợp nhất, SCB là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất với 4.185 tỷ đồng, Ficombank có vốn điều lệ gần 3.400 tỷ đồng và TinNghiaBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Quá trình sắp xếp lãnh đạo trong thương vụ M&A ngân hàng đầu tiên này diễn ra khá suôn sẻ với người của Ficombank giữ nhiều vị trí chủ chốt. Cụ thể, Đại hội cổ đông SCB hợp nhất (16/12/2011) đã bầu 9 thành viên Hội đồng quản trị với 4 thành viên đến từ Ficombank, bà Nguyễn Thị Thu Sương - nguyên Chủ tịch Ficombank được bầu giữ chức Chủ tịch SCB hợp nhất.
Về cơ cấu ban điều hành, ông Uông Ngọc Ẩn- nguyên Phó Chủ tịch Ficombank được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc ngân hàng SCB hợp nhất. Cùng với đó, ông Nguyễn Ngọc Thịnh- nguyên Tổng giám đốc và ông La Hữu Nghĩa - nguyên Phó Tổng giám đốc Ficombank được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc SCB hợp nhất. Trong ban điều hành mới cũng chỉ có một thành viên đến từ TinNghiaBank là ông Lại Quốc Tuấn.
6 tháng sau khi hợp nhất, SCB lại tiếp tục cơ cấu ban lãnh đạo. Đại hội cổ đông ngày 17/6 của SCB đã miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Vũ Văn Thành - nguyên Chủ tịch TinNghiaBank (thành viên duy nhất đến từ TinNghiaBank trong HĐQT) và ông Phan Vĩ Dân - đại diện góp vốn của CTCP Đầu tư Việt Vĩnh Phú.
Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Lê Khánh Hiền-nguyên Phó Chủ tịch SCB cũ và ông Lam Lee G- đại diện góp vốn của Việt Vĩnh Phú.
Cũng trong ngày 17/6, ông Lê Khánh Hiền được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc SCB hợp nhất thay ông Uông Ngọc Ẩn.
Hội đồng quản trị Habubank không tham gia điều hành sau sáp nhập
Thương vụ M&A thứ 2 là sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB).
Tại thời điểm sáp nhập, Habubank chỉ còn 195,3 tỷ đồng vốn điều lệ . Cụ thể, theo Báo cáo tài chính cũng được kiểm toán bởi Ernst&Young của Habubank tại ngày 29/2/2012, tỷ lệ nợ xấu của Habubank đã lên tới 16,06%, vốn chủ sở hữu giảm về còn 3.741 tỷ đồng.
Đây là cách hạch toán theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Còn nếu theo báo cáo đánh giá đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, thì vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn 195,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch Habubank cho biết, khi sáp nhập thì có nhiều ngân hàng tốt để lựa chọn, nhưng không phải ngân hàng nào cũng chọn sáp nhập với Habubank.
Trong cuộc họp báo ngày 6/8/2012 của SHB, ông Đỗ Quang Hiển-Chủ tịch SHB thẳng thắn cho biết, đây là việc sáp nhập Habubank vào SHB nên không bầu lại HĐQT. Hay nói cách khác, ngân hàng sau sáp nhập có HĐQT của SHB, nếu thành viên HĐQT Habubank muốn tham gia HĐQT ngân hàng mới thì ứng cử vào kỳ Đại hội cổ đông năm sau.
Chỉ duy nhất, bà Bùi Thị Mai- nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Habubank được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc SHB từ ngày 15/9/2012. Thời gian thử thách là 6 tháng, trong thời gian đó, bà Mai có trách nhiệm tham mưu, giúp việc và chịu sự phân công, điều hành của Tổng giám đốc SHB.
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng rưỡi sau khi được bổ nhiệm, Hội đồng quản trị SHB đã miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với bà Mai và điều chuyển sang bộ phận thu hồi nợ.
Gần một nửa HĐQT Sacombank đến từ SouthernBank
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chưa có kế hoạch về việc hợp nhất, sáp nhập. Tuy nhiên, mới đây, ông Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch Sacombank tiết lộ có ý tưởng về việc sáp nhập 2 ngân hàng này.
Thực tế, chưa cần chính thức hợp nhất hay sáp nhập với ngân hàng khác, Sacombank đã có sự thay đổi lớn về nhân sự lãnh đạo cấp cao, cũng như cơ cấu cổ đông.
Trong tháng 2/2012, Eximbank bất ngờ sở hữu 9,73% vốn của Sacombank. Ngoài ra, Eximbank cũng được ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) của Sacombank. Eximbank đã yêu cầu Sacombank bầu lại toàn bộ Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát do thay đổi cơ cấu cổ đông.
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Sacombank diễn ra hôm 26/5/2012, nhóm cổ đông mới của ngân hàng này dần lộ diện. Hội đồng quản trị được bầu mới với 4 thành viên đến từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank), 1 thành viên đến từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDS) và ông Phạm Hữu Phú- nguyên Phó Chủ tịch Eximbank.
Hội đồng quản trị mới chỉ còn 3 thành viên Sacombank cũ là ông Đặng Văn Thành, ông Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) và ông Trần Xuân Huy-Tổng giám đốc Sacombank. Ông Đặng Văn Thành vẫn là Chủ tịch Sacombank.
Về ban điều hành, kể từ 1/6, ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam thay thế ông Đỗ Xuân Huy làm Tổng giám đốc Sacombank. Sau khi ông Khang lên làm Tổng Giám đốc, Sacombank cũng bổ nhiệm và miễn nhiệm một loạt Phó tổng giám đốc.
5 tháng sau Đại hội cổ đông, ngày 2/11, ông Đặng Văn Thành đã thôi giữ chức vụ Chủ tịch Sacombank. Ông Thành cũng có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Sacombank hôm 5/11.
Ông Phạm Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Eximbank được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Sacombank thay ông Thành. Theo ông Phú tiết lộ, thực tế, việc thay thế Chủ tịch tại Sacombank đã có chuẩn bị từ trước, ông Thành đã không còn tham gia quản trị Sacombank từ hồi tháng 5 và cũng đã đề nghị xin thôi giữ chức Chủ tịch từ 10/7.
Tái cấu trúc và thay đổi nhân sự ngành ngân hàng
Một số ngân hàng khác dù không tham gia hợp nhất-sáp nhập cũng có sự thay đổi về nhân sự chủ chốt.
Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên thành viên sáng lập của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt tạm giam, 3 thành viên Hội đồng quản trị ACB là các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, và Trịnh Kim Quang xin từ nhiệm. ACB cũng đã bổ nhiệm 3 thành viên mới, với việc ông Trần Hùng Huy giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Đỗ Minh Toàn cũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Lý Xuân Hải.
Gần đây, ngày 4/11, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) thông báo bổ nhiệm ông Phạm Khắc Hoan giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Trương Hoàng Lương.
Ngày 6/8/2012, Ngân hàng TMCP An Bình thông báo miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Đặng Quang Minh. Thay vào đó, ông Phạm Duy Hiếu được giữ quyền Tổng giám đốc.
Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ. Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức xác nhận 5 ngân hàng trong diện tái cơ cấu từ nay đến hết năm 2012. Dự báo trong thời gian tới sẽ có hàng loạt thương vụ M&A ngân hàng và nhân sự cấp cao ngành này tiếp tục có nhiều thay đổi.
Nguồn Khampha