Thứ Hai | 14/01/2013 10:26

BIDV tăng trưởng tín dụng hơn 14% năm 2012

Năm 2012, ngân hàng đạt lợi nhuận 4.259 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 19,3% và đứng thứ 2 toàn ngành về giá trị tài sản.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tổ chức buổi đánh giá kết quả hoạt động năm 2012 và nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh 2013.

Theo đó, năm 2012 ngân hàng đạt mức tăng tổng tài sản 19,3% so với năm 2011, lên 492.201 tỷ đồng và ở vị trí lớn thứ 2 trong toàn ngành, chỉ sau Ngân hàng NN&PTNT (Agribank).

Huy động vốn của ngân hàng cũng tăng mạnh trong năm qua, với mức tăng lên tới 26,1% so với năm 2011 và vượt 30% so với kế hoạch đề ra, đạt hơn 360.000 tỷ. Mức tăng huy động này cũng vượt xa so với mức tăng huy động của toàn ngành (xấp xỉ 16%).

Về tăng trưởng tín dụng, dù toàn hệ thống năm nay chỉ tăng trưởng có 8,91% song BIDV đạt mức tăng tín dụng lên tới 16,5%. Nếu loại trừ dư nợ cho vay bằng nguồn ADB và dư nợ đối với các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ở nước ngoài, người không cư trú thì tăng trưởng thực tế đạt 14,1%.

Về chất lượng nợ, BIDV cho biết đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát nợ xấu bao gồm rà soát, phân loại khách hàng; giám sát chặt chẽ nợ cơ cấu; và quyết liệt xử lý rủ ro chuyển ngoại bảng, góp phần lành mạnh hóa bảng cấn đối kế toán, bên cạnh việc miễn giảm lãi cho khách hàng có thiện chí trả nợ, nên nợ xấu của ngân hàng đến thời điểm cuối năm 2012 ở mức 2,7% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 3% trong giai đoạn 9 tháng đầu năm.

Về lợi nhuận, năm 2012 BIDV đạt 4.259 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (năm 2011 là 4.243 tỷ đồng) ; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) tương ứng năm 2012 lần lượt đạt 0,7% và 12,44%, cao hơn mức bình quân ngành ngân hàng (ROA 0,58%; ROE 5,89%).

BIDV cho biết, lợi nhuận năm qua cao hơn năm 2011 song không đạt mục tiêu đề ra (ban đầu kế hoạch là 5.800 tỷ đồng, sau điều chỉnh giảm xuống 4.272 tỷ đồng) là bởi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng vì thế cũng gia tăng, BIDV phải tăng trích lập DPRR để đảm bảo an toàn hoạt động, hạ nhanh lãi suất cho vay trong khi lãi suất tiền gửi vẫn thực hiện theo cam kết để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, những nguyên nhân này đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Nguồn cafeF


Sự kiện