BIDV sẽ “chốt” cổ đông chiến lược nước ngoài vào năm 2016
Hậu sáp nhập MHB, BIDV chính thức tăng vốn điều lệ lên trên 31.481 tỷ đồng. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho biết sẽ “chốt” cổ đông chiến lược nước ngoài vào năm 2016 với mức giá bán cổ phiếu tối ưu nhất.
Sáng nay 1/7, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố tăng vốn điều lệ sau sáp nhập theo Giấy phép hoạt động mới vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp ngày 29/6.
Trao đổi với báo chí về việc đàm phán với đối tác chiến lược, ông Trần Bắc Hà cho hay, mục tiêu của việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là phải theo đề án đã được phê duyệt của Chính phủ và phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp.
BIDV đã tiến hành IPO vào năm 2011, niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM vào năm 2012. Tuy nhiên, đây là giai đoạn khủng hoảng kinh tế nên giá cổ phiếu của BIDV chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu đề ra.
Trong bối cảnh này, “phía đơn vị tư vấn đã khuyên BIDV nên cân nhắc bài toán thị trường để chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược đạt giá trị và hiệu quả cao nhất”, Chủ tịch BIDV cho hay.
Cũng theo Chủ tịch Trần Bắc Hà, từ cuối năm 2014 đến nay, thị trường có dấu hiệu ấm lên, GPD tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, khả năng năm nay tăng trưởng GDP cả nước sẽ vượt mục tiêu 6,2%. Chưa kể, công cuộc tái cơ cấu và cải cách thủ tục hành chính cũng đang được triển khai hiệu quả. Dựa trên các yếu tố này, ông Trần Bắc Hà tin tưởng, BIDV sẽ hoàn thành việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong năm 2016 với mức giá tối ưu.
Dù không công bố danh tính đối tác chiến lược mà BIDV đang đàm phán, nhưng ông Hà cho hay, đối tác chiến lược mà BIDV sẽ “chốt” vào năm 2016 là nhà đầu tư nước ngoài.
Về việc tăng vốn điều lệ, ông Trần Bắc Hà cho biết: Trên cơ sở đề nghị của BIDV, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định về sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của BIDV, theo đó, vốn điều lệ của BIDV sau sáp nhập MHB tăng từ 28.112 tỷ đồng lên trên 31.481 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 25/4, NHNN đã có Quyết định số 589 về việc sáp nhập MHB vào BIDV. Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Giấy chứng nhận đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi. Theo đó, BIDV được phát hành 336.921.100 cổ phiếu để thực hiện hoán đổi cổ phiếu MHB sang cổ phiếu BIDV.
Ngày 22/5, BIDV đã hoàn thành phát hành cổ phiếu hoán đổi, đưa số vốn điều lệ tăng thêm gần 3.370 tỷ đồng, giá trị vốn điều lệ BIDV sau khi hoàn thành sáp nhập MHB trên 31.481 tỷ đồng. Các cổ đông hiện hữu của MHB chính thức trở thành cổ đông của BIDV từ 0h ngày 23/5 - trùng với thời điểm hoàn tất bàn giao và chấm dứt tư cách pháp nhân của MHB.
Đề cập tới thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định: “Thương vụ tuy diễn ra nhanh nhưng đúng quy định, nhanh nhưng không ẩu, thậm chí còn rất kỹ. Hơn nữa, BIDV đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Cụ thể, trước đây, năm 1998, sau cuộc khủng hoảng châu Á, BIDV đã được giao nhiệm vụ kiểm soát và xử lý Ngân hàng TMCP Nam Đô. Gần đây, trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng của NHNN, BIDV cũng được giao nhiệm vụ sắp xếp và phối hợp cơ quan liên ngành để hợp nhất ba ngân hàng Tín Nghĩa, Đệ Nhất và ngân hàng TMCP Sài Gòn”, ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.
Vậy nên, theo Chủ tịch BIDV, dù thương vụ chỉ diễn ra trong vòng 55 ngày song trước đó, từ quý IV/2014, BIDV đã nhận được sự chỉ đạo và hai ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với nhau để nghiên cứu các quy định luật pháp của các bộ có liên quan. Đồng thời, hai ngân hàng cũng tổ chức quán triệt cán bộ chủ chốt của cả hai bên để liên hệ phối hơp chặt chẽ với nhau và với chính quyền địa phương, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố để phối hợp triển khai. Chính vì vậy, thương vụ đã sáp nhập đúng quy định và suôn sẻ.
Cũng tại buổi họp thông tin về tăng vốn điều lệ, BIDV công bố dành 1.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm đến với các khách hang cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67.
Nguồn Dân Trí