BIDV lo không đủ điều kiện làm cổ đông chiến lược ACV
Không lâu sau khi có thư ngỏ lời muốn góp 5% vốn điều lệ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau khi cổ phần hóa, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – Trần Bắc Hà đã phải có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị điều chỉnh các tiêu chí về cổ đông chiến lược mà Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành hồi cuối tháng 11.
Cụ thể, quy định đối với các nhà đầu tư là tổ chức tài chính muốn có một ghế trong hội đồng quản trị của ACV phải có vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 5 tỷ USD hoặc tương đương mà Bộ Giao thông phê duyệt đã “làm khó” BIDV.
Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Trần Bắc Hà cho rằng quy định này “vô hình chung đã gạt bỏ cơ hội của các tổ chức tài chính trong nước” và “giúp các tổ chức tài chính nước ngoài không phải cạnh tranh với các ngân hàng có tiềm lực mạnh của Việt Nam trong quá trình lựa chọn cổ đông chiến lược của ACV”.
Đại diện BIDV thừa nhận, hiện nay, chưa có ngân hàng nội nào đáp ứng yêu cầu về mức vốn chủ sở hữu (5 tỷ USD). “Hai ngân hàng thương mại cổ phần có mức vốn chủ sở hữu lớn nhất là Công Thương (Vietinbank) với 2,55 tỷ USD và Đầu tư phát triển (BIDV) là 1,85 tỷ USD”, báo cáo này dẫn chứng.
Vì vậy, BIDV kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh quy định về mức vốn chủ sở hữu của tổ chức tài chính muốn làm đối tác chiến lược của ACV nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước được cạnh tranh với các tổ chức nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cho rằng trong trường hợp các điều kiện cam kết của tổ chức trong và ngoài nước không có chênh lệch lớn thì Chính phủ nên ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư nội để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đồng hành cùng nhau.
Trước đó, ông Trần Bắc Hà đã gửi thư cho Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định ngân hàng này muốn trở thành cổ đông chiến lược nội địa của ACV bằng việc đầu tư vốn góp với mức sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của ACV sau khi cổ phần hóa.
Theo ông Hà, BIDV hiện có tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD và là doanh nghiệp có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi là cổ đông lớn của Công ty cho thuê máy bay Việt Nam.
Đến nay, trong danh sách muốn làm cổ đông chiến lược, ngoài BIDV, ACV cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp).
Trong phương án cổ phần hóa ACV, doanh nghiệp sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. 75% còn lại vẫn sẽ do Nhà nước nắm giữ.
Hơn một tuần trước, trong phiên đấu giá lần đầu ra công chúng, gần 78 triệu cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ) của ACV đã được bán hết với giá bình quân thành công là 14.344 đồng mỗi cổ phần, cao hơn mức giá khởi điểm 2.544 đồng, đã giúp ACV thu về trên 1.100 tỷ đồng.
Nguồn VnExpress