BIDV kỳ vọng năm 2016 sẽ bán được cổ phần cho đối tác chiến lược
Chia sẻ về việc đến nay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV - BID) đã tìm được đối tác chiến lược như lộ trình đề ra những năm trước đây hay chưa, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trước hết mục tiêu bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải theo đề án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, thứ hai việc bán cổ phần này phải đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp.
BIDV bắt đầu IPO vào năm 2011 và bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào năm 2012 trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn do vậy ngân hàng đã không đạt được mục tiêu bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như đề ra.
Theo lãnh đạo BIDV, đơn vị tư vấn cho BIDV đã tư vấn và khuyên BIDV phải lựa chọn thời điểm của thị trường để làm sao cổ phiếu có giá trị tốt nhất. Cũng do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, bản thân các định chế tài chính cũng đang tiến hành tái cấu trúc lại. Đến cuối năm 2014 dấu hiệu của thị trường đã ấm dần lên. Hiện nay, qua đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm đã phục hồi và tăng trưởng, chỉ số GDP đã điều chỉnh lại là 6,28% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời về cải cách và thực hiện tái cơ cấu của chúng ta đã từng bước đạt được hiệu quả. Đặc biệt, trong công tác cải cách hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cái thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia...
Tất các các yếu tố này giúp BIDV hy vọng rằng vào năm 2016 ngân hàng sẽ bán được cổ phần cho đối tác chiến lược theo mục tiêu tối ưu hóa lợi ích và theo thị trường. Còn về thời điểm cụ thể thì phải căn cứ vào thị trường, khi nào đạt được các yêu cầu hội tụ yêu cầu điều kiện thị trường với giá trị tốt nhất thì BIDV sẽ bán.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết thêm, vì nguyên tắc bảo mật, BIDV chưa thể cung cấp được danh sách ngắn các đối tác mà BIDV đang đàm phán.
Trả lời câu hỏi liệu BIDV muốn cổ đông chiến lược là trong nước hay ngoài nước, theo lãnh đạo ngân hàng, điều chắc chắn là trong hoạt động của một ngân hàng lớn, trong điều kiện mà Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng (như Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định TPP, Hiệp định FTA Việt Nam với EU, Việt Nam với Hàn Quốc, AEC,...) thì phải theo thông lệ là đối tác phải là nước ngoài, giống như Vietcombank và VietinBank vẫn đang làm.
Nguồn Tri thức trẻ