BIDV kiên trì với Myanmar
Đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng ANZ đã chính thức khai trương chi nhánh tại Yangon, cố đô của Myanmar. Nằm trong số 9 ngân hàng nước ngoài được cấp phép hồi năm ngoái, ANZ cũng là ngân hàng cuối cùng hoàn thành việc thiết lập cơ sở tại thị trường được đánh giá là còn sơ khai này.
Kể từ sau cuộc đổi mới đáng kể năm 2011, Myanmar cần rất nhiều vốn để hiện thực hóa giấc mơ bay cao của mình. Song, các dự án đầu tư tại Myanmar sau thời kỳ này đều có sự tham gia chọn lọc của các cơ quan quản lý. Giữa nhiều ngành nghề khác nhau, ngành ngân hàng trong giai đoạn này luôn là cửa hẹp đối với khối ngoại. Và có lẽ BIDV là thấm thía hơn ai hết, song ngân hàng này vẫn chưa bỏ cuộc.
Khe cửa hẹp
Cũng vào khoảng thời gian này năm ngoái, Ủy ban Cấp phép ngân hàng nước ngoài của Myanmar công bố danh sách 9 trong tổng số 25 ngân hàng được lựa chọn để cấp giấy phép hoạt động tạm thời, trong số này không có BIDV.
Mặc dù cơ quan quản lý của Myanmar khi đó không đưa ra các tiêu chí lựa chọn công khai, nhưng xét về quy mô tài sản, BIDV thuộc nhóm ngân hàng nhỏ nhất trong số các ngân hàng tham gia. Có thể liệt kê hàng loạt các ngân hàng lớn như ICBC (Trung Quốc), hay các ngân hàng Nhật nổi tiếng tại Việt Nam như Sumitomo Mitsui Banking, hay Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ và Mizuho Bank.
Trong khi đó, những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia cũng sở hữu những ngân hàng có quy mô lớn nhất trong khu vực. Còn với Singapore, không chỉ vì quy mô ngân hàng lớn, mà còn là vì phần lớn các thanh toán quốc tế của Myanmar ở thời kỳ trước và sau cấm vận là thông qua hệ thống ngân hàng Singapore.
Dù vậy, BIDV hiện vẫn kiên trì với thị trường Myanmar. Hồi tháng 6 năm nay, ngân hàng này đã chính thức khai trương Công ty Tài chính BIDV Myanmar và thành lập văn phòng đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV tại Myanmar. Hiện nay, BIDV cũng đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để thành lập một chi nhánh ngân hàng.
Thị trường ngân hàng Myanmar bắt đầu thay đổi mạnh mẽ ở giai đoạn 2011, khi một loạt các cải cách được thực thi trong nhiều lĩnh vực và các lệnh cấm vận dần được dỡ bỏ. Myanmar lúc này được đánh giá là thị trường có “Ánh sáng mới”, như tên một tờ tạp chí của nước này và cũng là tiêu đề mà tờ The Economist đặt ra khi viết về thời kỳ này ở Myanmar.
Dù vậy, “Ánh sáng mới” vẫn chưa thực sự tỏa sáng khắp nơi bởi thị trường Myanmar dù hấp dẫn nhưng vẫn rất khó để chen chân vào, nhất là với các ngân hàng. Song nhìn ở hướng ngược lại thì Myanmar có gì để các ngân hàng thích thú đến như vậy?
Bán lẻ hay bán buôn?
Người Myanmar hiện vẫn còn bảo hộ cho ngành ngân hàng non trẻ của mình. Theo Công ty Chứng khoán VPBS, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài chỉ được phép cung cấp những dịch vụ ngân hàng (bao gồm huy động, cho vay và hoạt động ngoại hối) cho các ngân hàng trong nước và các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Myanmar. Mặt khác, các ngân hàng nước ngoài chỉ có thể cho vay bằng đồng ngoại tệ, còn đồng bản tệ chỉ được phép khi hợp tác với các ngân hàng nội địa. Ngoài ra, ngân hàng ngoại không được phép tuyển dụng nhân viên từ các ngân hàng nội địa.
Có thể hình dung thị trường Myanmar qua các giai đoạn phát triển ngân hàng ở Việt Nam. Hiện tại, Myanmar có 4 ngân hàng quốc doanh và 23 ngân hàng tư nhân. Mặc dù phần lớn thị phần được nắm giữ bởi nhóm các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước (tính đến nay là hơn 60% quy mô tổng tài sản), song các ngân hàng tư nhân nhanh chóng mở rộng thị phần lên gấp gần 6 lần chỉ trong vòng 4 năm, tính đến hết năm tài chính 2014.
Các ngân hàng tư nhân năng động ở Myanmar cũng chính là đối thủ lớn của khối ngoại. Đi đầu trong số này có thể kể đến Kanbawza Bank (KBZ) với quy mô tổng tài sản 3,2 tỉ USD, chiếm 35% thị phần tín dụng. KBZ lớn gấp 3,5 lần so với ngân hàng xếp thứ 2 là CB.
Không chỉ hạn chế về hoạt động, ở khía cạnh khác, hoạt động tín dụng ở khu vực này vẫn khá rủi ro. Cũng theo VPBS, lãi suất huy động trung bình trên thị trường hiện nay là 8,25%, trong khi trần lãi suất cho vay trung bình là 13%. Hoạt động ở nước ngoài, ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro về tỉ giá. Đồng Kyat của Myanmar hiện đã mất giá đến hơn 19% kể từ đầu năm đến nay.
Còn nói về mặt sản phẩm ngân hàng, thị trường Myanmar gần như hoàn toàn mới. Người dân ở cố đô Yangon mới chỉ làm quen với khái niệm thẻ tín dụng trong vài tháng trở lại đây. Hồi tháng 6, các ngân hàng hàng đầu ở Myanmar mới bắt đầu tung ra chương trình thẻ tín dụng, ngay sau khi Ngân hàng Trung ương bãi bỏ lệnh cấm thẻ tín dụng trước đó 1 tháng.
Một cơ sở khác để kỳ vọng vào thị trường bán lẻ chính là tăng trưởng thu nhập với một thị trường tiềm năng có gần 54 triệu dân. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP năm tài chính 2014-2015 là 8,5%. Chính phủ Myanmar thậm chí còn lạc quan hơn khi dự báo GDP sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm nay. Tuy nhiên, câu chuyện bán lẻ ở thị trường này là không đơn giản.
Các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng đang trong giai đoạn làm quen với các khái niệm tài chính ngân hàng. Giống như ở Việt Nam, các ngân hàng cũng sẽ phải mất chi phí để “giáo dục” người dùng trong nước về các sản phẩm tài chính và cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian để người tiêu dùng có thể làm quen.
Vậy đâu là đích nhắm đến cho các ngân hàng Việt? Nếu như thị trường bán lẻ chưa thực sự hấp dẫn thì có lẽ mục tiêu bán buôn mới là cái chính. Thị trường Myanmar đầy hấp dẫn không chỉ bởi phần lớn người dân chưa làm quen với các sản phẩm tài chính, mà còn là ở một thị trường đầy tiềm năng về mảng cơ sở vật chất, hạ tầng và các ngành công nghiệp khác.
Hãy quay trở lại với câu chuyện đầu tư, một tình huống điển hình là Dược Hậu Giang đã hủy kế hoạch đầu tư 91 tỉ đồng xây dựng nhà máy tại Myanmar hồi tháng 9 năm ngoái. BIDV khi đó được kỳ vọng là đầu mối thu xếp vốn và thanh toán tại thị trường này. Dù thương vụ không thành công vì nhiều lý do khác nhau, song tham vọng của BIDV đã khá rõ: đào kênh phục vụ cho thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp nội địa.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cũng đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài tại 3 quốc gia là Lào, Campuchia và Myanmar. Và ngay từ năm 2010, BIDV đã đi tiên phong trong việc mở văn phòng đại diện tại đây. Xét ở khía cạnh này, có thể hiểu vì sao BIDV lại tỏ ra kiên quyết ở thị trường Myanmar đến thế.
Thanh Phong