Thứ Sáu | 13/09/2013 08:12

BIDV giữ bí mật ngày lên sàn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có động thái mới cho việc niêm yết, nhưng thời điểm cụ thể vẫn được giữ bí mật.
Trả lời về động thái chốt danh sách cổ đông để hoàn thiện hồ sơ niêm yết, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV khẳng định "Ngân hàng có kế hoạch niêm yết". Tuy nhiên, ông Phương từ chối tiết lộ ngày dự kiến chào sàn cũng như mức giá chào sàn và các thông tin liên quan khác.

Trước đó, hôm thứ Tư (11/9), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thông báo BIDV chốt danh sách cổ đông để hoàn thiện hồ sơ niêm yết gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX). Ngày đăng ký cuối cùng là 23/9/2013.

Việc lên niêm yết của BIDV luôn được xem là sự kiện lớn của HOSE, bởi số cổ phần khổng lồ lên tới 2,8 tỷ của ngân hàng này. Nếu Ngân hàng niêm yết toàn bộ số cổ phần, gồm cả số cổ phần do Nhà nước nắm giữ (tới 95% cổ phần của Ngân hàng), BIDV sẽ trở thành một trụ cột mới của VN-Index, bên cạnh "tứ trụ" hiện tại là GAS (PVGas), VCB (Vietcombank), MSN (Masan) và VIC (Vincom).

GAS hiện đang có vốn hóa lớn nhất là 124.100 tỷ đồng. Vốn hóa của VCB, MSN và VIC tương đương nhau, lần lượt là 56.300 tỷ đồng, 57.800 tỷ đồng và 55.600 tỷ đồng. Nếu BIDV niêm yết bằng với giá IPO hồi cuối năm 2011 (18.600 đồng/CP), vốn hóa của Ngân hàng sẽ đạt hơn 52.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mặt bằng giá cổ phiếu của các ngân hàng đã giảm đáng kể so với 1 năm trước. Giá cổ phiếu của 2 ngân hàng TMCP gốc quốc doanh có quy mô tương đương là Vietinbank đã giảm 9%, xuống 16.400 đồng/CP trong phiên 12/9, còn Vietcombank đóng cửa phiên giao dịch 12/9 ở mức 23.900 đồng/CP.

Cổ phiếu BIDV trên sanotc.com.vn đã rớt xuống mức phổ biến 11.500 - 12.500 đồng/CP trong 2 tháng trở lại đây, giảm khoảng 33% so với mức giá ở thời điểm IPO. Với mức giá này, vốn hóa trên thị trường của BIDV vào khoảng 35.000 tỷ đồng hoặc thấp hơn.

Mặc dù là sự kiện được nhà đầu tư chờ đợi, nhưng việc niêm yết của BIDV đã bị trì hoãn ít nhất hai lần trong sự thắc mắc của các thành viên thị trường.

Trong tháng 8, BIDV đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 23.000 tỷ đồng lên hơn 28.000 tỷ đồng và hoàn tất đợt phát hành trái phiếu 10 năm (mà theo một lãnh đạo của BIDV đợt phát hành này bán được khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng). Với kết quả này, hệ số an toàn vốn (CAR) theo số liệu hợp nhất của BIDV được nâng lên từ 9,42% lên khoảng 10,1-10,5% và đây là thông tin có thể hỗ trợ tốt cho kế hoạch niêm yết của Ngân hàng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin nào đảm bảo cho việc BIDV sẽ niêm yết sớm. Nếu được HSX chấp thuận hồ sơ, BIDV sẽ có 90 ngày để đưa cổ phiếu lên chào sàn. Điều đó có nghĩa là việc niêm yết của BIDV vẫn có thể kéo dài đến cuối tháng 12 năm nay, thậm chí kéo dài hơn.

Hồi tháng 10/2012, BIDV đã từng được HSX thông qua hồ sơ niêm yết, khiến thành viên thị trường kỳ vọng kế hoạch sẽ được thực hiện ngay trong năm 2012.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện