Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề xuất thành lập ngân hàng lúa gạo
Cụ thể, khi có hợp đồng tiêu thụ, đến mùa thu hoạch, nông dân gửi lúa vào kho của doanh nghiệp. Khi nào thấy giá phù hợp, nông dân có thể bán ra. Tại kho, doanh nghiệp sẽ cấp phiếu thu và nông dân có thể dùng phiếu thu đó thế chấp vay tiền, hoặc trả nợ ngân hàng.
Khi nào thấy giá lúa cao, nông dân đặt lệnh bán thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền cho nông dân qua ngân hàng. Lúc đó ngân hàng sẽ trả lại tiền cho người dân theo phiếu thu đã giữ. Phần doanh nghiệp, sau khi nhận lúa của nông dân thì được toàn quyền tạm trữ hay bán đi mà không cần đợi ý kiến của nông dân.
Ông Tân cho biết, người dân vùng ĐBSCL sau mỗi vụ thu hoạch lại không có chỗ chứa lúa, thường phải bán tại ruộng và giá không ổn định. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng rất cần mua lúa nhưng thường thiếu tiền mặt. Họ sẽ phải chờ chủ trương của Chính phủ hỗ trợ thu mua tạm trữ, hoặc phải vay vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp cam kết mua theo giá từng thời điểm thì họ có quyền lấy số lúa này phục vụ xuất khẩu.
Lúc này, không cần biết số lúa còn nằm trong kho hay không, nhưng nông dân muốn thanh toán ở thời điểm nào thì doanh nghiệp sẽ trả tiền theo giá của thời điểm đó. Doanh nghiệp không cần vay tiền ngân hàng, còn nông dân muốn trả tiền ngân hàng hay muốn vay để sản xuất thì chỉ cầm phiếu đến ngân hàng. Khi thí điểm sẽ có ưu đãi đối với doanh nghiệp khi họ vay vốn làm kho bãi, lò sấy.
Theo nhiều nông dân ở Đồng Tháp, lâu nay chương trình thu mua tạm trữ không tới được tay họ. Nếu ý tưởng của ông Lê Vĩnh Tân được thực hiện, nông dân sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Nguồn Dan Viet