Bi quan cổ tức ngân hàng năm 2012
Cuối năm 2011, hàng loạt ngân hàng gần như đã hoàn thành kế hoạch trả cổ tức khi tạm ứng tỷ lệ lớn. Trong đó phải kể tới Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu ( ACB) tạm ứng 20%; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) tạm ứng 12% trong tổng 19%; Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội ( MBB, MB) hoàn thành trả 15%,...
Tuy nhiên, tới hết năm 2012, MB là ngân hàng tạm ứng cổ tức với tỷ lệ lớn nhất 10%. Tuy tỷ lệ tạm ứng của MB không bằng năm trước, nhưng MB vẫn là "ngôi sao sáng" trong ngành ngân hàng năm nay khi hoạt động ổn định, không có thông tin giảm lương, hay thay đổi cơ cấu cổ đông. 9 tháng, MB hoàn thành 76% kế hoạch lợi nhuận và tăng 66% so với cùng kỳ năm trước; trong khi nhiều ngân hàng khác giảm lợi nhuận thậm chí báo lỗ.
Ngoài ra, còn có EIB cũng vừa thông báo tạm ứng cổ tức 8% vào ngày 25/1/2013, thấp hơn tỷ lệ năm trước (12%). Nhưng lợi nhuận trước thuế 2012 của EIB ước đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; bằng 65% so với kế hoạch mà Đại hội cổ đông đề ra hồi đầu năm (4.600 tỷ đồng) nên tỷ lệ trả cổ tức 21,2% (10% trả bằng cổ phiếu và 11,2% trả bằng tiền) sẽ khó thành hiện thực.
Ngoài 2 ngân hàng nêu trên còn có một số ngân hàng nhỏ như DongA Bank, MaritimeBank, LienVietPostBank cũng đã tạm ứng cổ tức
Ngoài ra, có ngân hàng thông báo giảm tỷ lệ cổ tức. Ví dụ như ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam ( CTG, VietinBank) vừa thông báo nghị quyết Đại hội cổ đông thông qua lấy ý kiến bằng văn bản. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận của CTG giảm từ 9.000 tỷ đồng xuống 7.500 tỷ đồn; cùng với đó, tỷ lệ trả cổ tức của ngân hàng điều chỉnh giảm từ 16% xuống 13-15%.
Đối với ACB nhiều khả năng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2012 của ACB sẽ là 10% bằng một nửa so với mức 20% của năm 2011. Cụ thể, trả lời phỏng vấn Thời báo kinh tế Sài Gòn cuối tháng 11/2012; ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho biết, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức 10% năm 2012 từ các quỹ dự trữ (hơn 2.400 tỷ đồng). Năm 2012, ACB ước đạt lợi nhuận 1.200 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 năm 2011.
Một số ngân hàng khác không có nguồn trả cổ tứcTrường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội ( SHB), ngay sau khi Habubank sáp nhập vào SHB hồi tháng 8, SHB lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Tính tới 30/9/2012, lợi nhuận chưa phân phối là âm 1.100 tỷ đồng; cộng tất cả quỹ dự trữ của SHB thì vẫn âm hơn 500 tỷ đồng. Phát biểu với báo giới, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, năm 2012 ngân hàng hi vọng không lỗ. Nếu quý IV/2012 SHB không có lãi đột biến, ngân hàng cũng sẽ không có nguồn trả cổ tức.
Nếu Ngân hàng TMCP Nam Việt ( NVB, Navibank) không trả cổ tức năm 2012 thì 2 năm liên tiếp cổ đông Navibank không nhận được đồng cổ tức nào, và trường hợp này gần như chắc chắn xảy ra. 9 tháng năm 2012, lợi nhuận của Navibank giảm 33,7% so với năm trước; riêng quý III/2012 giảm 87% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Navibank là 1 trong nhóm 4 ngân hàng cổ phần có thanh khoản yếu kém, thuộc diện tái cơ cấu trong năm 2012. Hiện ngân hàng này đang trình Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án tự tái cơ cấu.
Ngoài Navibank, 3 ngân hàng trong diện phải tái cấu trúc trong năm 2012 là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank), Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cũng gần như chắc chắn không thể trả cổ tức.
Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc trả cổ tức
Trong phiên thảo luận Quốc hội sáng ngày 31/10/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định "Đến cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. Ngân hàng nhà nước sẽ có biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên để giải quyết nợ xấu".
Theo thông báo lùi thời gian trả cổ tức của Dong A Bank, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gửi Công văn số 2655/HCM-TTGSNH. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần phải báo cáo phương án phân phối cổ tức, lợi nhuận năm 2012 (kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập) trước khi thực hiện ít nhất 15 ngày để Ngân hàng Nhà nước xem xét và có ý kiến.
Trong khi đó, nguồn trả cổ tức - lợi nhuận của ngân hàng lại giảm mạnh. Quý III/2012, lợi nhuận của 12 ngân hàng thương mại giảm 42,9% so với cùng kỳ 2011; lợi nhuận 9 tháng trung bình giảm 11% (12 ngân hàng gồm 8 ngân hàng niêm yết, BaoVietBank, KienLongBank, LienVietPostBank, và PVFC). Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM, các ngân hàng khó có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay. Ước tính, lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm nay có thể chỉ đạt được khoảng 27 – 30% so với cả năm trước.
Cổ tức được coi như một nguồn thu nhập của nhà đầu tư bên cạnh thu nhập từ tăng giá cổ phiếu. Nên dù cho chính sách ưu tiên xử lý nợ xấu là hợp lý thì việc không có cổ tức vẫn là thiệt hại đối với cổ đông; cũng không thể loại trừ khả năng, ngân hàng vin vào xử lý nợ xấu để không trả cổ tức. Dự báo, trong năm 2013, không ít doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc nợ quá hạn tăng và lợi nhuận của các ngân hàng lớn giảm sút, thậm chí thấp hơn năm 2012; và cổ tức có lẽ còn thấp hơn năm vừa qua.
Nguồn Khampha