Bị áp thuế chống bán phá giá tôm: VASEP gửi kháng kiện lên tòa án Mỹ
Thiếu cơ sở và bất hợp lý
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - ông Trương Đình Hòe cho biết mức thuế chống bán phá giá (POR8) quá cao mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố áp lên con tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ là không đúng, bởi nó được tính toán dựa trên những số liệu thiếu cơ sở và không hợp lý.
“Phương pháp tính giá cá biệt mà DOC áp dụng lần này là hoàn toàn vô lý và thiếu tính cơ sở đối với việc tính toán thuế CBPG cho con tôm. Bởi phương pháp này thiếu tính khoa học, về mặt thống kê và tính thực tiễn cũng đang gây nhiều tranh cãi trong việc áp dụng ở Luật Chống bán phá giá Mỹ” – ông Hòe cho biết.
Mặt khác, Việt Nam cũng khiếu kiện về các chỉ số lạm phát, hệ số tính toán dựa trên nước thứ 3 thay thế (Bangladesh – PV) là không đúng bởi DOC dùng số liệu từ năm 2003. “Chúng tôi đề nghị DOC tính toán lại dựa trên những con số mới cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất hiện nay. Bởi không lý nào trong đợt xem xét mức thuế chống bán phá giá một kỳ trước đó, POR7, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đều bằng 0 mà POR8 một năm sau đó lại tăng cao lên ngất ngưởng như vậy” – ông Hòe nêu dẫn chứng.
Cụ thể 30/32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giai đoạn 1/2/2012 - 31/1/2013 chịu thuế chống bán phá giá mà DOC công bố là 6,37%. Hai doanh nghiệp còn lại là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98% và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Đây là mức thuế cao nhất trong lịch sử gần 10 năm qua Việt Nam xuất khẩu tôm qua Mỹ.
Trước đó ngày 27.9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình cũng đã lên tiếng phản đối DOC áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Việt Nam khẳng định các công ty không bán phá giá mặt hàng tôm vào thị trường Mỹ, không gây thiệt hại và đe dọa thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp tôm Mỹ.
Mở rộng thị trường
Theo các doanh nghiệp, việc DOC áp mức thuếchống bán phá giá cao vô lý như vậy thiệt hại cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Vì khi thuế tăng cao, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải dãn sản lượng cung cấp qua thị trường này và tìm các thị trường khác bù đắp vào. Nhưng sản lượng tôm trên toàn thế giới năm nay giảm nhiều do dịch bệnh khiến nguồn cung thiếu hụt. Chính vì thế các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn phải liên hệ lấy nguồn cung ứng từ Việt Nam. Nguồn cung hạn chế cùng với mức thuế chống bán phá giá tăng cao, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng giá bán.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ về nhập khẩu tôm vào thị trường này cho thấy, 7 tháng đầu năm 2014, giá nhập khẩu tôm trung bình tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2013, từ 9,1 USD/kg lên 12 USD/kg.
Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, giá bán tôm xuất khẩu qua Mỹ đã tăng mạnh trong các tháng qua. Cụ thể tôm chân trắng hiện đang bán với giá khoảng 12 USD/kg, tăng khoảng 2,5 USD kể từ đầu tháng 6.
Tôm sú cũng có nhu cầu cao và giá tăng nhẹ khoảng 1 USD, lên mức 12,8 - 13 USD/kg tôm cỡ 6 - 8 con/pao. Nhờ đó xuất khẩu tôm vào Mỹ năm nay tăng trưởng ấn tượng. Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15.8.2014 xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 700 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2013.
Mặc dù có sự tăng giá bán nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế chống bán phá giá mà DOC vừa đưa ra, doanh nghiệp xuất khẩu bị lỗ nên theo ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản CAFATEX, doanh nghiệp vẫn tìm đường chuyển thị phần sang các thị trường khác. Với thị trường Mỹ chỉ giữ lại cho các sản phẩm chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao.
Do có sự chuyển hướng thị trường nên xuất khẩu tôm sang các thị trường khác đều tăng trưởng vượt bậc trong năm nay. Tính đến 15/8/2014, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng tới 115% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 185 triệu USD và Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho xứ sở kim chi này. Xuất khẩu tôm sang EU cũng tăng gần 100%, đạt mức 388 triệu USD. Đặc biệt xuất khẩu tôm sang Nhật Bản cũng đã tăng trưởng trở lại lên mức 5% sau nhiều tháng bị cản trở bởi rào cản kháng sinh.
Nắm lấy cơ hội thế giới thiếu nguồn cung tôm do dịch bệnh, Việt Nam đã chủ động tăng diện tích nuôi tôm chân trắng lên 81.700ha, tăng 245% so với cùng kỳ 2013 và duy trì diện tích nuôi tôm sú (hơn 560.000ha). Sản lượng thu hoạch tôm của cả nước tăng mạnh lên 190%, đạt gần 320.000 tấn. Hiện giá tôm chân trắng ở ĐBSCL đang ở mức từ 110.000 - 120.000 đồng/kg loại 100 con/kg, nông dân đang lời từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. |
Nguồn Dân Việt