Thứ Sáu | 17/10/2014 09:56

Bí ẩn cơ chế nhập khẩu đường

Nhiều năm nay, kiến nghị cho đấu thầu đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không cơ chế “xin - cho” khi Bộ Công Thương vẫn nhất quyết áp dụng biện pháp phân giao?

Đến hẹn lại… phân giao

Cứ vào khoảng thời gian này, Bộ Công Thương sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu đường theo cam kết WTO. Sở dĩ việc phân giao chọn vào lúc này là thời điểm “chín muồi” sau khi kết thúc vụ thu hoạch mía nhằm không ảnh hưởng đến các hộ nông dân cũng như các nhà máy đường. Cho đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã phân giao xong 77.200 tấn đường theo hạn ngạch và sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm 2014.

Cụ thể, 40.000 tấn đường thô được phân cho 5 DN, gồm: Công ty CP Mía đường Lam Sơn (5.000 tấn), Công ty CP Đường Biên Hòa (15.000 tấn), Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (10.000 tấn), Công ty CP Mía đường Cần Thơ (5.000 tấn), Công ty CP Đường Khánh Hòa (5.000 tấn). Số còn lại (37.200 tấn) là đường tinh luyện được phân giao cho các DN có nhu cầu mua đường phục vụ cho sản xuất, trong đó Công ty CP Sữa Việt Nam được nhập khẩu nhiều nhất là 10.900 tấn, còn các DN khác được nhập khẩu từ 300 đến 1.500 tấn. Trong hạn ngạch năm nay, Bộ Công Thương đã tăng nhập khẩu lượng đường thô, giảm nhập đường tinh luyện.

Trước khi Bộ Công Thương phân giao hạn ngạch năm 2014, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cũng đã có kiến nghị gửi đến Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) theo 3 phương án.

Thứ nhất, tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu toàn bộ hạn ngạch nhập khẩu đường các loại trong năm 2014, thu giá trị chênh lệch về ngân sách Nhà nước. Thứ hai (nếu phương án 1 không được thông qua), trên cơ sở phân giao của Bộ Công Thương (giao 40.000 tấn đường thô cho Bộ NN&PTNT quyết định chọn nhà nhập khẩu, số còn lại Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu trực tiếp đường RE cho các đơn vị chế biến) kiến nghị Bộ NN&PTNT tổ chức đấu thầu phần hạn ngạch còn lại này cho rộng rãi các nhà máy đường cả nước không nhất thiết là nhà máy luyện đường hay sản xuất đường từ mía, đường RE hay RS, hay đường thô.

Đây là phương án thử nghiệm đầu tiên làm cơ sở cho việc tổ chức đấu thầu nhập khẩu những năm về sau. Thứ ba (nếu phương án 1 và 2 không được thông qua) trên cơ sở phân giao hạn ngạch nhập khẩu của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cân nhắc quyết định giao hạn ngạch nhập khẩu đường thô cho các nhà máy có khả năng luyện đường trong nước từ đường thô ra đường trắng hoặc đường RE tùy vào thị trường từng thời điểm đó (luyện thành RE hoặc RS).

Việc phân giao cụ thể cho DN nào, số lượng bao nhiều thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, VSSA đề nghị Bộ cần có tiêu chí cụ thể minh bạch để hạn chế các tiêu cực của việc “xin - cho”, tránh sự phân biệt đối xử, sự chia rẽ trong cộng đồng các nhà máy đường cả nước.

Và các kiến nghị, đề xuất này vẫn chưa được Bộ Công Thương đồng ý. Bộ vẫn triển khai phân giao hạn ngạch như nhiều năm trước.

Ẩn số

Đã nhiều năm nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) liên tục kiến nghị với Bộ Công Thương những vấn đề trên nhưng Bộ Công Thương chỉ nâng dần lượng đường thô lên. Bộ Công Thương đã từng lý giải rằng, Bộ không tổ chức đấu thầu là vì phương thức đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường không có trong điều khoản ký kết giữa Việt Nam với các nước thành viên của WTO nên chưa thể áp dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về đề xuất cho đấu thầu, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA nói: “Bộ Công Thương chỉ “nói miệng” rằng không được đấu thầu nhưng tôi chưa thấy tài liệu chính thức. Tôi được biết, nhiều nước trên thế giới cho đấu thầu đường khi nhập khẩu. Hiện chúng tôi chưa tiếp xúc chính thức “cam kết” đó”.

Thêm nữa, Bộ Công Thương lý luận rằng, người thụ hưởng đường nhập khẩu theo hạn ngạch là người sử dụng cuối cùng - tức DN sử dụng đường chế biến ra các sản phẩm khác nhưng “tôi không tin định nghĩa đó là đúng”, ông Hải nói. “Định nghĩa người sử dụng cuối cùng là không mua, không bán mới là người sử dụng cuối cùng. Bộ Công Thương lý luận như vậy để không áp dụng cơ chế đấu thầu mà thực hiện cơ chế phân giao, tức cơ chế “xin - cho”. Tôi đang tìm hiểu vấn đề của Bộ Công Thương có đúng không”, ông Hải bức xúc.

Khi được hỏi “phía Hiệp hội có kiến nghị với Bộ Công Thương về những thông tin này hay không”, ông Hải cho rằng, phía Bộ Công Thương cũng không minh bạch thông tin này. Nhiều năm nay, những thông tin “dính” tới cam kết theo WTO không công khai, phía VSSA phải tự tìm hiểu. Ngay cả danh sách cấp hạn ngạch cho DN phía Hiệp hội cũng không được cung cấp đầy đủ, thậm chí, Bộ Công Thương chỉ cho tên DN còn chủng loại số lượng không cho. “Như vậy, Bộ Công Thương không công khai. Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị nhưng phía Bộ Công Thương chỉ nói trong cuộc họp, còn văn bản trả lời chỉ nói chung chung không đưa ra “văn tự” trong cam kết”, vị đại diện của VSSA cho hay.

Ông Hà Hữu Phái, chuyên gia ngành mía đường đồng thời là đại diện của VSSA tại Hà Nội thì cho rằng, việc đấu thầu vẫn là “tù mù”, không có sự lý giải “đến đầu đến đũa”.

Như vậy, dư luận sẽ không hết băn khoăn về cơ chế “xin - cho” trong việc phân giao hạn ngạch đường bởi thông tin có được đấu thầu hay không vẫn là… ẩn số. Nếu các bộ, ngành không “lên tiếng” thì sự hoài nghi trên là có cơ sở. Cho đến thời điểm này, khi trao đổi với một vị của Cục XNK (Bộ Công Thương), phóng viên nhận được câu trả lời: “Với tư cách là báo chí, em phải có liên hệ với văn phòng của Bộ”. Xem ra, đây là vấn đề “bí mật” mà Bộ này đến giờ vẫn không thể công khai cho DN, trả lời cho dư luận!

Nguồn Báo Hải quan


Sự kiện