Sơn Nguyễn Thứ Tư | 29/08/2018 08:30

Bệnh viện tư không dễ kiếm tiền

Với một số thương vụ đầu tư chưa mấy thành công gần đây, mô hình bệnh viện tư nhân xem ra vẫn còn gặp nhiều trở ngại đáng kể.

Bên cạnh dược phẩm, phân khúc bệnh viện và chuỗi phòng khám là trong những kênh đầu tư được nhiều doanh nghiệp tư nhân quan tâm tham gia. Nhưng với một số thương vụ đầu tư chưa mấy thành công gần đây, mô hình bệnh viện tư nhân xem ra vẫn còn gặp nhiều trở ngại đáng kể.

Sinh lợi khiêm tốn

Một trong những bệnh viện tư nhân nổi tiếng tại TP.HCM là Triều An của đại gia Trầm Bê vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với các thông số chưa mấy hấp dẫn. Với lợi nhuận ròng chỉ đạt gần 28 tỉ đồng, tuy tăng 28% so với năm trước nhưng do nguồn vốn đầu tư khá khủng khiến tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn: 4,9% (cho giai đoạn nửa đầu năm).

Đáng chú ý là nếu tính đúng tính đủ các chi phí, lợi nhuận của Triều An có thể sẽ sụt giảm đáng kể. Báo cáo kiểm toán cho biết, một số khoản đầu tư mà Triều An rót vào các công ty thành viên như Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Dịch vụ An Triều hay Công ty Cổ phần Triều An - Loan Trâm đang bị lỗ nhưng Triều An chưa lập trích dự phòng vì đây là diện lỗ theo “kế hoạch” và các dự án này vẫn đang trong quá trình xây dựng. Nhưng dù sao, với khoản lợi nhuận kể trên, Trầm Bê vẫn còn có thể vui một chút khi so sánh với thực trạng của một số đối thủ.

Benh vien tu khong de kiem tien
 

Chỉ sau vài năm khánh thành, bệnh viện trị giá 2.500 tỉ đồng Phúc An Khang (quận 2) đã phải đóng cửa năm ngoái do không thể chịu đựng các phí tổn tài chính trong khi lượng khách khám chữa bệnh không mấy khả quan. Một phần tài sản của bệnh viện đang bị thế chấp tại Tổng Công ty Quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) và dự kiến sẽ sớm đưa ra đấu giá, thu hồi khoản vay cho các ngân hàng.

Tình cảnh tương tự đang diễn ra với Bệnh viện Giao thông vận Tải. Tưởng chừng bệnh viện này sẽ đổi đời khi rơi vào tay của ông Đỗ Quang Hiển (Tập đoàn T&T) sau đợt cổ phần hóa, nhưng nửa đầu năm nay, bệnh viện này tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 16 tỉ đồng, nâng tổng số lũy kế lên đến 74 tỉ đồng.

Cảm thấy gặp nhiều khó khăn với khối tài sản này cũng như khó đáp ứng yêu cầu nâng vốn của Chính phủ, mới đây, bầu Hiển đã kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ lượng cổ phần đã bán cho T&T với giá trị lên đến 149 tỉ đồng. Hiện chưa có quyết định chính thức từ cơ quan nhà nước đối với kiến nghị “lạ đời” của T&T!

Tiềm năng ở phía trước

Không thể đánh giá thấp tiềm năng của mảng đầu tư bệnh viện về mặt dài hạn. Với dân số đông và nhu cầu chi tiêu y tế ngày càng gia tăng, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thách thức không nhỏ cho giới đầu tư trước mắt. Đó là khu vực công vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, thiếu hụt nguồn lực bác sĩ có trình độ, chịu gắn bó lâu dài. Trong bối cảnh lạm phát đang có xu thế ngóc đầu dậy, dự kiến Nhà nước sẽ gia tăng kiểm soát mức tăng giá các dịch vụ y tế - điều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các bệnh viện.

Nhưng xu thế tư nhân tăng cường đầu tư vào bệnh viện là không thể tránh khỏi. Theo Công ty Kiểm toán KPMG, số lượng các bệnh viện trên khắp cả nước trong giai đoạn năm 2011-2016 ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép 1,5%, nhưng số lượng bệnh viện công chỉ tăng 0,8% trong khi khối các bệnh viện tư chứng kiến tốc độ tăng trưởng lên đến 6,8%.

Benh vien tu khong de kiem tien
 

Thị phần của khu vực tư nhân hiện đâu đó khoảng 13,7% - tức vẫn còn dư địa tăng trưởng mạnh khi Nhà nước tiếp tục có chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn hay triển khai hợp tác công tư (PPP) để giảm áp lực chi tiêu công. “Chính phủ hướng tới mục tiêu vào năm 2020, khối bệnh viện tư nhân sẽ chiếm khoảng 20% lượng giường bệnh từ tỉ lệ chỉ 5% vào 2016”, bà Michal Jacob, Giám đốc Nghiên cứu y tế của KPMG Việt Nam, nhận định.

Việc một số bệnh viện gặp khó khăn cũng mang lại cơ hội cho tập đoàn có nguồn lực tài chính mạnh thâu tóm và gia tăng độ phủ trên toàn quốc. Điển hình như Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ mới đây đã thâu tóm Bệnh viện Hạnh Phúc. Đây là thương vụ M&A thứ 3 sau các thương vụ thâu tóm Bệnh viện Vạn Phúc và Bệnh viện Quốc tế Vinh.

Không công bố giá trị của thương vụ M&A lần này nhưng theo ông Huỳnh Lê Đức, Tổng Giám đốc Hoàn Mỹ, việc Hạnh Phúc về với Hoàn Mỹ là một bước tiến quan trọng trong bước đệm vươn xa của Tập đoàn. Hai bên sẽ hỗ trợ nhau phát triển vì Hạnh Phúc có thế mạnh về sản phụ khoa, trong khi Hoàn Mỹ lại mạnh về đa khoa. Như vậy, hiện chuỗi y khoa của Hoàn Mỹ đã lên đến 14 bệnh viện, đi kèm với 5 phòng khám.

Một ông lớn trong ngành là Cotec Group dự kiến sẽ sở hữu 6-8 bệnh viện với quy mô 4.000 phòng vào năm 2020. Giai đoạn năm 2020-2025, Tập đoàn cho biết sẽ hướng tới mô hình kết hợp giữa chuỗi bệnh viện và chuỗi hệ thống phòng khám y khoa để phát triển thương hiệu, gia tăng thị phần và tối ưu hiệu quả đầu tư.

Hay một chuỗi khác đang tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây là Vinmec. Hiện chuỗi này đã có tới 8 bệnh viện và tham vọng trở thành chuỗi y tế có chất lượng hàng đầu Đông Nam Á. Lợi thế của Vinmec chính là phục vụ cho lớp khách hàng sẵn có trong các khu đô thị mà người anh em Vinhomes làm chủ đầu tư.