Bế tắc kế hoạch "xuất khẩu" điều dưỡng sang Nhật
Việt Nam vừa trở thành nước xuất khẩu lao động lớn nhất sang Nhật Bản dưới dạng chương trình thực tập sinh dành cho lao động nước ngoài. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động y tế Việt Nam sang Nhật Bản nhiều khả năng sẽ khó thực hiện trong thời gian tới, báo điện tử Japan Today (Nhật Bản) cho biết.
Theo phỏng vấn của tờ báo này, cựu y tá Đỗ Thị Hằng (23 tuổi) từng hy vọng sẽ được làm chăm sóc viên tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh dành cho lao động từ các nước đang phát triển.
Cô là một trong nhiều người Việt trẻ đang đợi các nhà làm luật Nhật Bản thông qua một đạo luật nhằm cải tổ chính sách lao động, vốn đã được Chính phủ nước này ủng hộ hồi năm ngoái. Nếu đạo luật này thông qua, chương trình thực tập sinh sẽ được mở rộng ra để bao gồm cả ngành y tế. Đây là một trong những động thái nhằm giải quyết nhu cầu lao động của ngành y tế Nhật khi lượng người già của nước này gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, dự luật trên vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Nhật Bản, bởi các nhà làm luật nước này đang còn ưu tiên thảo luận một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, là luật an ninh quốc gia.
Do vậy, Hằng hiện vẫn đang phải làm việc tại một nhà hàng trong khi tự học tiếng Nhật. Cô từng theo học lớp tiếng Nhật tại một trường ở Hà Nội nhưng bỏ ngang hồi tháng 4 vừa qua. Cô gái trẻ này giờ vẫn muốn tìm việc làm ở đất nước mặt trời mọc, bất chấp việc gia đình ở Vĩnh Phúc thúc giục trở về quê để kết hôn.
Nhận thấy khó có cơ hội tham gia vào chương trình thực tập sinh, Hằng quyết định theo đuổi tấm bằng y tá Nhật Bản dưới một chương trình khác. Theo thỏa thuận tự do thương mại EPA giữa Nhật Bản với Việt Nam và hai nước Đông Nam Á khác là Indonesia và Philippines, Nhật sẽ cấp bằng y tá và chăm sóc sức khỏe cho một số lao động của ba nước này. Tuy nhiên, EPA lại đặt ra yêu cầu cao hơn về trình độ ngoại ngữ và kiến thức trong các lĩnh vực khác so với chương trình thực tập sinh.
Trong 5 tháng đầu năm nay, với 8.420 lao động, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc (7.815 lao động) để trở thành nước xuất khẩu nhiều lao động nhất sang Nhật Bản kể từ khi tham gia chương trình hợp tác lao động từ năm 1993, theo Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc tế Nhật Bản). Chương trình này hỗ trợ đào tạo kỹ năng trong 70 nghề nghiệp khác nhau, bao gồm cà dệt may, cơ khí và nông nghiệp.
Tháng 3 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản quyết định bổ sung thêm dịch vụ chăm sóc y tế vào chương trình đào tạo khi đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nhân viên chăm sóc tại Nhật.
Với chương trình này, Chính phủ Nhật Bản cũng cho rằng sẽ giải quyết được một số vấn đề, tuy nhiên nhiều người chỉ trích cho rằng đây là cách họ giữ chi phí lao động ở mức thấp. Đồng thời, cũng có cáo buộc rằng nhiều lao động bị buộc phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt hoặc bị xâm phạm quyền riêng tư.
Hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã lên kế hoạch để tham gia chương trình đào tạo kỹ năng dành cho thực tập sinh, tuy nhiên cũng có rất nhiều người đã từ bỏ kế hoạch này vì sự cố pháp luật nói trên.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, điều luật dự kiến sẽ Quốc hội thông qua sớm nhất trong nửa cuối năm nay. Dù vậy, lao động nước ngoài vẫn chưa chắc sẽ được phép vào Nhật Bản dưới dạng chương trình thực tập sinh lúc nào.
An Phong
Nguồn Japan Today