Bệ phóng cho kỳ lân Việt. Ảnh: Zing.

 
Trực Thanh Thứ Hai | 30/11/2020 07:30

Bệ phóng cho kỳ lân Việt

Hàng tỉ USD cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo hứa hẹn sẽ sản sinh nhiều kỳ lân mới cho Việt Nam.

Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS) với chủ đề “Going Digital - Dịch chuyển số” mới được tổ chức tại Hà Nội, có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Trong số các quỹ đầu tư cam kết rót vốn vào Việt Nam có rất nhiều tên tuổi mới và cũ như VinaCapital Ventures, 500 Startups, Alpha JWC, BeeNext, CyberAgent Capital, Do Ventures, FEBE Ventures, Genesia Ventures, Vietnam Investment Group, Viet Capital Ventures... 

Bệ phóng cho kỳ lân Việt. Ảnh: Quý Hòa.
Bệ phóng cho kỳ lân Việt. Ảnh: Quý Hòa.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư đã rót vốn vào nhiều startup tỉ USD, ông Joonpyo Lee, Giám đốc Điều hành SoftBank Ventures Asia, đánh giá COVID-19 là cơ hội cho nhiều mô hình kinh doanh mới. “Khi bị cách ly, hạn chế đi lại, nhiều người phải mua sắm online, sử dụng các dịch vụ từ xa như tư vấn, giảng dạy... Công nghệ giúp cho nhiều việc tưởng không làm được lại trở nên có thể. Là một quỹ đầu tư, chúng tôi luôn tìm đến công nghệ đột phá”, ông nói.

Thực tế, sau 1 năm dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào startup tại Việt Nam tăng đột biến, đạt mức 800 triệu USD, thì năm 2020, lượng vốn chỉ đạt khoảng hơn 200 triệu USD. Mặc dù vậy, cho đến nay, số tiền đầu tư của các quỹ vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đạt trên 50% số vốn cam kết mặc dù trải qua tình hình dịch bệnh khó khăn trong năm 2020.

Trong bức tranh chung, cộng đồng startup của Việt Nam có những điểm sáng đáng lưu ý. Đó là việc nhiều startup của Việt Nam đã nằm trong nhóm đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung..., có những doanh nghiệp, sản phẩm bước ra thế giới.

 

bePOS, Stringee, GoDee, Papaya và Vbee vừa trở thành 5 startup Việt Nam xuất sắc nhất trong mùa 1 của Grab Ventures Ignite - chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành cho các startup giai đoạn đầu tại Việt Nam có tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 1 triệu USD.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà Grab triển khai chương trình Grab Ventures Ignite nhằm ủng hộ Chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, đại diện Grab, nhận định, startup Việt Nam đi vào những lĩnh vực rất mới thậm chí là khó trên thế giới như insurtech, medtech, fintech. “Nếu so sánh về quy mô nền kinh tế, chúng ta không nằm ở top trên, nhưng ý tưởng của các startup chúng ta hoàn toàn ngang tầm với những quốc gia khác”, bà Vân nhận định.

Sau Thung lũng Silicon, Đông Nam Á dự báo có nhiều kỳ lân tỉ USD nhờ thị trường năng động, hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và nguồn lực dồi dào. Các nhà đầu tư nhận định startup Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Cơ hội nhận vốn còn đến từ động lực nội tại của Đông Nam Á, nơi có số lượng tầng lớp trung lưu và GDP gia tăng nhanh chóng. Trong xu hướng thuận lợi này, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 và trong những năm qua, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến nhằm nuôi dưỡng các startup tiềm năng.

Chẳng hạn, Chính phủ đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, yêu cầu kết nối tất cả các cơ sở, trước hết là trong lĩnh vực y tế, giáo dục với khoảng 14.000 cơ sở y tế, gồm cả các phòng khám tư nhân, hàng chục ngàn nhà thuốc, hơn 50.000 trường học, dữ liệu của hơn 1 triệu giáo viên, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên... “Tất cả các nỗ lực của Chính phủ, cùng sự góp sức của cộng đồng sẽ tạo nên những nền tảng dữ liệu rất bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có những startup”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tại sự kiện VVS 2020.

 

Năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù dành cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Từ đó, một thành quả bước đầu đã đạt được là cam kết của Trung tâm đồng hành cùng các quỹ đầu tư. “Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỉ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Trước đây, VNG là đại diện duy nhất của Việt Nam được coi là startup kỳ lân chạm ngưỡng tỉ USD vào năm 2014. Tin vui là theo báo cáo kinh tế số e-Conomy SEA năm 2020, Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam sau VNG. Ông Lê Hồng Minh, đồng sáng lập và Chủ tịch VNG, cho rằng Việt Nam đang có cơ hội vàng để số hóa mạnh mẽ. Bản thân VNG cũng đang hướng đến việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ như dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo, thanh toán... 

“Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở cả thị trường Việt Nam và quốc tế. Mục tiêu 3-4 năm tới của VNG là phần lớn doanh thu đến từ thị trường toàn cầu và chúng tôi tin có thể thực hiện được”, ông Minh cho biết.