Giá vé máy bay trong nước của Việt Nam đang tăng nhanh hơn mức tăng chung của thị trường toàn cầu là từ 3-7% trong năm 2024, theo dự báo của FCM Consulting.
Bay với giá đắt đỏ
Người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều tiền hơn khi di chuyển bằng máy bay trong mùa hè này khi tình trạng thiếu tàu bay chưa được cải thiện và nhu cầu đi lại được dự báo tăng 20% so với tháng 3. Giá vé máy bay nội địa đã đắt đỏ hơn kể từ đầu năm nay, mức giá trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, theo Cục Hàng không Việt Nam.
Tình trạng thiếu tàu bay ngày càng trầm trọng hơn. Cục Hàng không Việt Nam cảnh báo tình trạng thiếu hụt tàu bay có khả năng kéo dài đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, thời điểm Pratt & Whitney, một công ty chuyên sản xuất động cơ tàu bay của Mỹ, dự kiến hoàn thành việc khắc phục lỗi động cơ PW1100G sử dụng trên tàu bay Airbus A321neo mà các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác.
Thực tế, không phải chờ đến sự cố của Pratt & Whitney, nguồn cung tàu bay cho thị trường nội địa vốn đã rất thiếu hụt trong 2 năm gần đây, khi một số hãng hàng không Việt Nam tái cơ cấu, trả máy bay, cắt giảm khai thác một số đường bay. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 5/2024 tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023, nhưng thực tế số lượng tàu bay đang khai thác chỉ từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với năm 2023.
Trong điều kiện thiếu tàu bay, mặt bằng giá mới đã định hình trên các đường bay nội địa, thậm chí để ngỏ khả năng sẽ đắt đỏ hơn vào mùa hè và dịp nghỉ lễ trong điều kiện trần giá vé máy bay nội địa được điều chỉnh tăng từ ngày 1/3. Lãnh đạo Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways từng giải thích rằng giá vé máy bay tăng lên do giá nhiên liệu tăng cao, chiếm tới 50% chi phí vận hành; chênh lệch tỉ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của Pratt & Whitney tác động đến việc giảm đội tàu bay; giá thuê tàu bay tăng cao. Hiện giá thuê Boeing B-787 đã tăng lên 370.000 USD/tháng thay vì 160.000 USD/tháng vào năm 2022.
Những thách thức trên thị trường vận tải hiện nay là thật, nhưng không mới. Nó đã được ngành hàng không xem xét trong kế hoạch kinh doanh công bố hồi đầu năm, với mục tiêu thấp hơn năm ngoái, vận chuyển nội địa là 38,5 triệu khách, giảm 10,5% so với năm 2023. Khi đó, các hãng cũng lần lượt cắt giảm một số đường bay nội địa, ưu tiên khai thác, mở mới mạng đường bay quốc tế do được thu thêm phụ phí xăng dầu, giá vé cũng không bị khống chế bởi khung giá trần.
Những tính toán của “người trong cuộc” vẫn luôn chính xác nhất, dành sự hoài nghi cho phía người dùng. Thời điểm này, các hãng hàng không đã hoàn tất việc cập nhật kế hoạch tăng trưởng và giải thích rằng, giá vé bay tăng cao là một yếu tố quan trọng giúp họ duy trì doanh thu trong các báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024. Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 25%, đạt gần 28.270 tỉ đồng, ngắt mạch thua lỗ 16 quý liên tiếp khi lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỉ đồng. Doanh thu hợp nhất của Vietjet cũng tăng 38%, đạt hơn 17.790 tỉ đồng; lãi sau thuế gần 540 tỉ đồng, gấp 3 lần quý I/2023.
Các nhà phân tích dự đoán vận chuyển nội địa của các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục suy giảm trong quý II, mức suy giảm có thể lớn hơn 18% của quý I khi chỉ đạt hơn 8,5 triệu khách. Thời điểm hiện tại lượng khách du lịch nội địa đặt tour giảm mạnh, đơn hàng của Hanoitourist chỉ bằng khoảng 80% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhiều công ty lữ lành như Orion Travel chuyển sang tập trung bán tour nước ngoài để đảm bảo doanh thu.
Giá vé máy bay trong nước của Việt Nam đang tăng nhanh hơn mức tăng chung của thị trường toàn cầu là từ 3-7% trong năm 2024, theo dự báo của FCM Consulting. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, chỉ ra giá vé máy bay nội địa đang quá đắt đỏ so với mức thu nhập bình quân tính trên GDP hiện nay, chỉ khoảng 4.500 USD/người/năm.
Câu chuyện cơ cấu giá vé máy bay đang chịu những giới hạn nhất định. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, để thực hiện một chuyến bay, bình quân một vé máy bay phải gánh 2 loại thuế của Nhà nước và 19 loại phí, trực tiếp và gián tiếp, của ngành giao thông vận tải. Điều này cộng hưởng với các yếu tố đầu vào như thuê máy bay, nhiên liệu và tỉ giá, đẩy giá vé lên cao. Kinh doanh phải có lãi, không hãng bay nào sẵn sàng giảm giá vé thấp hơn chi phí sản xuất, họ sẽ tính tất cả vào giá vé.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng lên mỗi năm, nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang có ít sự lựa chọn hơn, trong bối cảnh thị trường thiếu cạnh tranh có thể dẫn đến các hãng bay “nhìn nhau điều chỉnh giá vé”. Hiện nay, thị trường nội địa được khai thác bởi 4 hãng bay gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines, nhưng trên 80% thị phần tập trung vào Vietnam Airlines - thống lĩnh phân khúc giá cao và Vietjet gần như đang độc chiếm mảng giá rẻ. Bamboo Airways đang tái cơ cấu, còn Vietravel Airlines chỉ khai thác một số đường bay trong nước.
Bây giờ, việc đưa giá vé bay nội địa xuống mức thấp hơn đã trở thành vấn đề bàn thảo tại nghị trường Quốc hội cũng như nhiều diễn đàn trong nước, nhưng chưa có giải pháp khả thi. Từ phía các hãng hàng không trong nước, mục tiêu giảm giá vé chỉ đạt được khi Nhà nước cần hỗ trợ về thuế phí nhiều hơn, mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giảm 50% phí điều hành bay, sự chia sẻ từ các địa phương, đặc biệt những địa phương có nguồn thu từ du lịch như Đà Nẵng hay Côn Đảo.
Nếu đặt người dân là chủ thể hưởng lợi, ngành hàng không có thể đổi hướng đi để có giá vé rẻ hơn. Chẳng hạn xem xét lại cơ cấu giá vé bay nội địa, học hỏi kinh nghiệm của Chính phủ Thái Lan trong việc giảm chi phí để 12 hãng bay trong nước cạnh tranh bằng giá vé rẻ. Ngành hàng không Thái Lan đặt mục tiêu tăng 20% số chuyến bay trong nước vào năm 2025, nhưng đã áp dụng các giải pháp giảm chi phí tác động lên giá vé máy bay kể từ năm 2023, mở thêm 8 hãng bay mới trong năm 2024, đồng thời kêu gọi đầu tư vào những trung tâm bảo dưỡng trong nước, mở rộng danh mục các nhà khai thác mặt đất, cho phép các hãng hàng không mua thêm máy bay, trợ cấp khai thác những chặng bay mới.
Với cách này, ngành hàng không Việt Nam có thể giảm giá vé bay xuống mức thấp, tạo ra nguồn khách ổn định hơn trong dài hạn, dành một phần nguồn lợi tăng thêm để bù đắp chi phí cũng như thuê thêm hoặc đầu tư máy bay mới.