Boeing vẫn đang tìm thêm nguồn hàng từ các nơi trên thế giới và Việt Nam được xem là quốc gia chiến lược. Ảnh: TL.
Bay vào chuỗi cung ứng Boeing
Theo tin mới nhất, Tập đoàn Boeing dự tính sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam. Trước đó, Boeing đã khánh thành văn phòng thường trực tại tòa nhà Capital Place (Hà Nội) và thiết lập được mạng lưới 6 nhà cung ứng tại Việt Nam cũng như đang làm việc với 5 công ty khác để phát triển các công ty này thành nhà cung ứng tiềm năng cho Boeing.
Miếng bánh trong 6 triệu linh kiện
Ông Brendan Nelson AO, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu, cho biết: “Boeing sẽ còn mở rộng hợp tác với các công ty tương tự và sẽ tìm cách nâng cấp họ lên thành nhà cung ứng cấp 1”.
Đây tiếp tục là tin vui cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong nỗ lực gia nhập chuỗi cung ứng công nghệ cao của các tập đoàn toàn cầu. Theo Tech Collective, Trung Quốc luôn là nhà cung cấp linh kiện công nghệ lớn nhất và đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của các hãng công nghệ thế giới... Tuy nhiên, hiện đã có nhiều thay đổi đáng kể và Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất tiềm năng.
“Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP), nhận định.
Ở Việt Nam, mới chỉ MHI Aerospace Vietnam (thuộc Mitsubishi, Nhật) là đạt nhà cung ứng cấp 1 cho Boeing. Còn lại là các nhà cung ứng cấp 2, cấp 3. Đơn cử, Tổng Công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC), thuộc Tập đoàn Viettel là nhà cung ứng cho Boeing nhưng không trực tiếp mà thông qua đơn vị khác. Lãnh đạo Boeing từng bày tỏ mong muốn phía Viettel chuyển từ cung ứng cấp 3 lên cung ứng cấp 1, cung cấp trực tiếp cho Boeing. Nhưng như ông Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng Giám đốc VMC, chia sẻ: “Để tham gia được chuỗi này không hề đơn giản bởi các tiêu chuẩn khắt khe từ đầu vào, đầu ra đến quy trình sản xuất, nguồn nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng cho đến hệ thống quản trị thông tin”.
Hiện tại, dù VMC đạt quy mô 1.300 nhân viên, sản xuất khoảng 40% cáp quang tại Việt Nam và doanh thu mỗi năm khoảng 200 triệu USD (khoảng 4.700 tỉ đồng) nhưng ông Nghĩa tự nhận thấy VMC cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp 3 thách thức: thứ nhất về nguyên liệu, máy móc, nhân công đầu vào; thứ 2 là thông tin quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài còn khó khăn; cuối cùng là quản trị doanh nghiệp chưa đạt chuẩn phù hợp với chuỗi giá trị quốc tế. Đây cũng là lý do vì sao chỉ khoảng 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài, theo nghiên cứu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ngoài ra, những biến động trên thị trường quốc tế cũng khiến việc gia nhập chuỗi thêm trở ngại.
Thực tế, các công ty đang tham gia vào chuỗi cung ứng cho Boeing hầu hết đến từ khối doanh nghiệp FDI. Còn với doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, đó là một hành trình dài.
Cơ hội trong thị trường hàng không sôi động
Lãnh đạo Viettel từng cho biết, để Công ty Thông tin M3, một thành viên của Viettel, trở thành nhà cung ứng cho Meggitt, họ đã phải nỗ lực không ngừng, từ việc tìm kiếm các cơ hội, nhờ đối tác tin cậy tiến cử đến nỗ lực đạt chứng chỉ AS9100D, xây dựng quy trình công nghệ, chế thử, xây dựng các bài đo kiểm và thử nghiệm các sản phẩm mẫu FAI (First Article Inspection). M3 cũng phải nhờ đến sự đồng hành của các chuyên gia như ông Reid Parker từng đến M3 giúp các kỹ sư hoàn thiện kỹ thuật.
Mặc dù vậy, theo quan sát của ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị chưa cao. Trong khi đó, để sản xuất một chiếc máy bay, Boeing cần hơn 6 triệu linh kiện khác nhau. Trong đó, khoảng 50% là vật tư nhỏ, đinh ốc. Vì thế, Boeing vẫn đang tìm thêm nguồn hàng từ các nơi trên thế giới và Việt Nam được xem là quốc gia chiến lược. Ông Michael Nguyễn tin rằng: “Nếu có môi trường phù hợp và nhận được sự quan tâm của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì Việt Nam sẽ được mở mang rất tốt”.
Thời gian qua, Boeing đã làm việc với Viettel cũng như gửi các chuyên gia từ Mỹ sang Việt Nam để huấn luyện nâng cao tay nghề nhân lực. Sắp tới, ông Michael Nguyễn cho biết, Boeing sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp khác và sẽ không có sự phân biệt về nhà cung cấp trong khu vực hay trong nước. Boeing cũng đã làm việc với 5 hãng hàng không của Việt Nam để huấn luyện phi công, đào tạo lãnh đạo, chuyên gia trong ngành hàng không, đào tạo kỹ sư, nhân viên tu bổ, bảo trì và sửa chữa máy bay...
Theo lãnh đạo Boeing, Việt Nam đang có nhiều tiền đề tốt cho sự phát triển như lượt hành khách, sản lượng hàng hóa cần vận tải, số lượng máy bay... Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu đi lại bằng hàng không gia tăng. “Có thể nói, tốc độ phát triển của hàng không Việt Nam trong những lĩnh vực nói trên tăng gấp 5-7 lần mức độ trung bình của khu vực”, ông Thomas Sanderson, Giám đốc Tiếp thị Máy bay thương mại Boeing, nhận định.
Riêng về lĩnh vực thương mại máy bay, theo ước tính của Boeing, trong 20 năm tới, toàn Đông Nam Á cần tới 4.210 máy bay. Trong đó, Việt Nam sẽ chiếm một tỉ trọng đáng kể. Đây chính là cơ hội phát triển cho Boeing và cả các hãng khác. Tháng 3 vừa qua, Airbus tiếp tục tái khẳng định tăng cường cam kết mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam và hướng tới hỗ trợ những công ty trong nước có đủ năng lực cung cấp linh kiện cho Airbus.
Rõ ràng, khi cả Boeing, Airbus đều quan tâm xây dựng chuỗi cung ứng thì Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội phát triển và trở thành trung tâm của khu vực.
Có thể bạn quan tâm: