Bay trên ngọn cỏ may
Cho đến khi báo chí đăng tin một doanh nghiệp đầu tư gần 40 tỉ đồng để dựng một ký túc xá miễn phí cho sinh viên tại TP.HCM, nhiều người mới biết đến Cỏ May. Ăn mặc đơn giản, không chải chuốt như các ông chủ thường thấy, cũng ít ai để ý tới ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May. Đây là người con trai út của ông Phạm Văn Bên, người nhận được sự trân trọng của xã hội với nhiều hoạt động từ thiện.
Người Sa Đéc gọi ông Bên là “ông Cỏ May”, cái tên gắn với thương hiệu xà bông những ngày đầu gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng ở Tân Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Gia đình ông khởi đầu kinh doanh bằng một vài sản phẩm xà bông đa dụng từ bí quyết được người Hoa Chợ Lớn truyền lại “vì thấy ông thật thà, chịu khó”. Từ những năm 1981, tổ hợp xà bông và thương hiệu Cỏ May đã ra đời. Năm 1986, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, cũng là lúc thương hiệu xà bông Cỏ May dẫn đầu ở thị trường Đồng Tháp và cả miền Tây.
Năm 1988, Nhà nước cho phép tư nhân kinh doanh lương thực, Cỏ May ngưng sản xuất xà bông, chuyển sang chế biến, kinh doanh gạo. Với mục tiêu đưa gạo Việt Nam ra thị trường thế giới, ông Bên quyết định đầu tư hàng triệu đô la vào việc nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm gạo “Made in Vietnam” mang tên Nosavina, bắt đầu từ việc sử dụng bộ giống thuần chủng của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, mời kỹ sư của Đại học Nông lâm TP.HCM về tư vấn, lập quy trình canh tác…
Tiếp đến, Cỏ May đã xây dựng nhà máy chế biến công suất hơn 80.000 tấn/năm để chế biến gạo cao cấp xuất khẩu, đây cũng là nhà máy chế biến gạo hiện đại nhất khu vực miền Tây thời điểm ấy. Tuy nhiên, thị trường chủ lực của doanh nghiệp này chủ yếu là nội địa và được xuất sang Singapore, bán trực tiếp tại 2 siêu thị Fortune và BigBox. Trung bình mỗi năm Cỏ May đưa ra thị trường khoảng hơn 50.000 tấn gạo. Mới đây, Công ty đã mở cửa hàng bán lẻ gạo “Gạo ngon bốn mùa” đầu tiên tại TP.HCM sau khoảng gần 10 năm mất thị trường này.
Ông Phạm Minh Thiện. Ảnh: Sơn Phạm |
“Hiện gạo của Cỏ May đã được bán tại hơn 300 cửa hàng, tiệm tạp hóa ở các khu chợ truyền thống tại TP.HCM. Với lần trở lại này, chúng tôi quyết tâm sẽ xây dựng 1.000 điểm bán lẻ và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ có khoảng 3.000 điểm bán khắp Thành phố”, ông Thiện cho biết. Trước đây, Cỏ May đã thâm nhập thị trường tại TP.HCM và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc nhưng không mấy thành công.
Riêng về lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi, hiện Cỏ May vẫn phát triển dựa trên nhà máy chế biến được đầu tư hơn 250 tỉ đồng vào năm 2004, với công suất chế biến hơn 300.000 tấn/năm. Đồng thời có 1 nhà máy sản xuất bao bì công suất khoảng 15 triệu sản phẩm/năm, trong đó với 50% khối lượng thành phẩm phục vụ đóng gói các sản phẩm của Cỏ May. Doanh thu trung bình của Cỏ May đạt trên dưới 2.000 tỉ đồng/năm.
Hướng đi mới đây của doanh nghiệp này là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để chế biến các sản phẩm chiết xuất cao cấp như tinh dầu từ cám gạo, tinh dầu hoa sen, tinh dầu dừa, dưỡng chất Gamma-Oryzanol chiết xuất từ dầu gạo… Mới đây, một tập đoàn ở Nhật đã đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm này. Cơ duyên để Cỏ May phát triển sản phẩm mới khi nhiều công ty có nhu cầu sử dụng cám trích béo trong thức ăn chăn nuôi. “Tôi tự hỏi tại sao mình không trích béo dầu cám để bán, phần còn lại dùng vào việc khác. Những sản phẩm này sẽ là 100% thuần khiết và không bị can thiệp bằng hóa chất”, ông Thiện chia sẻ.
Ngoài ra, tại nhà máy còn trồng nấm rơm theo hình thức công nghệ cao với khoản đầu tư 1 triệu USD để thiết kế xây dựng phòng thí nghiệm và các công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, Cỏ May sẽ đầu tư thêm 4 dự án mới gồm nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh để thực hiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu cung cấp thức ăn cho đến thành phẩm chế biến; dự án sử dụng chất thải bùn đáy ao nuôi thủy sản để sản xuất phân bón vi sinh; dự án đầu xây dựng mô hình trang trại Xanh và quỹ tái hòa nhập cộng đồng tại Trại giam V26 ở tỉnh Đồng Tháp. Cỏ May còn một dự án du lịch được thực hiện tại Phú Quốc trị giá hơn 30 triệu USD.
Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản của Cỏ May. |
“Quan trọng nhất là có cái tâm, để tất cả mọi người không ai bỏ mình, mình không bỏ ai dù khó khăn đến đâu. Đừng làm những gì mình không muốn người khác làm lại cho mình”. Đây là bài học mà ông Bên đúc kết sau hơn 30 năm lao động, kinh doanh. Bài học này cũng được các con ông lấy làm nền tảng để điều hành Công ty. “Sự đồng lòng của các anh chị em trong các quyết định điều hành giúp Cỏ May luôn đứng vững trước khó khăn. Là công ty gia đình, chúng tôi không có triết lý điều hành nào khác ngoài chữ tâm, chữ tín, giữ lòng tự trọng và sự nghiêm túc trong công việc”, ông Thiện chia sẻ.
Khu ký túc xá trị giá gần 40 tỉ đồng cho sinh viên Đại học Nông Lâm TP.HCM được hoàn thành trước lúc người sáng lập của Cỏ May đi xa, trọn vẹn tâm nguyện của ông với những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, mỗi năm, Công ty cũng cam kết trích ra 15 tỉ đồng từ lợi nhuận để chăm lo cho đời sống vật chất tinh thần cho hơn 432 sinh viên lưu trú tại đây. Trước khi đi xa, ông Bên có di nguyện giao cho con trai Phạm Minh Thiện thay ông tiếp tục lo hoàn chỉnh ký túc xá, rồi xét chọn sinh viên nghèo, học giỏi trên khắp cả nước học tại TP.HCM để hỗ trợ các bạn thành tài.
“Đây không chỉ là một tâm niệm từ cha, mà được truyền từ bà nội với mong muốn được chăm lo cho các em nhỏ khó khăn và có tinh thần vươn lên”, ông Thiện hào hứng nói về kế hoạch phát triển các hoạt động xã hội của Công ty. “Cha tôi rất yêu thích đoạn văn diễn tả cảnh chú dế mèn bay nhảy trên những ngọn cỏ may trong truyện của nhà văn Tô Hoài, nên đã chọn tên Cỏ May để đặt cho cơ sở của mình. Tôi là con út, nên được cha hay gọi trìu mến là dế mèn. Tôi muốn giữ được sự trong sáng và vô tư như vậy trong cuộc sống và kinh doanh của mình”, ông Thiện tâm sự.
Đức Tài