Ảnh: VNA

 
Thứ Ba | 29/09/2020 08:00

Bầu trời quốc tế mở lại, các hãng bay hối hả cất cánh

Nhiều hãng hàng không tranh thủ tận dụng thời cơ mở lại bầu trời quốc tế để khôi phục hoạt động.

Sau 6 tháng tạm dừng, sáng 19.9.2020, chuyến bay VN310 của Vietnam Airlines hành trình Hà Nội - Tokyo đã cất cánh từ sân bay Nội Bài. Đây được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự mở cửa trở lại bầu trời quốc tế của Việt Nam.

Nhiều hãng hàng không hồ hởi và ngay lập tức lên kế hoạch tận dụng thời cơ này để khôi phục lại trạng thái hoạt động, thậm chí còn mở rộng thêm mảng kinh doanh. Vietjet Air, chẳng hạn, công bố lịch khai thác các chuyến bay thường lệ tới Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan từ ngày 29.9. Trong các tuần tới, Vietnam Airlines cũng sẽ lần lượt nối lại đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia, trong khi Bamboo Airways sẽ mở lại đường bay tới Singapore và đặc biệt khai thác thêm tuyến TP.HCM - Melbourne, Hà Nội - Melbourne.


“Úc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Và chúng tôi đang đặt mục tiêu phát triển đường bay thẳng thường xuyên đi vào hoạt động trong năm 2021”, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng khẳng định.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dịch COVID-19 chiều 18.9, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể do 2 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam quyết định. Dự kiến từ đây đến cuối năm, các hãng có thể đón tới hàng chục ngàn người nhập cảnh mỗi tháng. Công tác xét nghiệm, cách ly người nhập cảnh đang được ráo riết triển khai tại các địa phương có cơ sở vật chất hiện đại.

Theo một số nhà phân tích, triển vọng phục hồi của thị trường hàng không là khá sáng sủa. Bởi lẽ, bên cạnh nguồn khách là giới chuyên gia, nhà đầu tư đang mong chờ quay trở lại Việt Nam làm việc thì nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách dự kiến gia tăng đột biến sau một thời gian dài “nằm nhà” vì lệnh phong tỏa.

Theo thống kê vào tháng 7.2020 của Pedestrian Group thuộc công ty truyền thông Nine của Úc, 38% trong số 4.980 người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tạm hoãn các chuyến du lịch nội địa trong nước Úc để chờ du lịch quốc tế mở cửa trở lại. Lý do chính là du lịch nội địa của Úc quá đắt đỏ so với du lịch quốc tế, đặc biệt là tại các nước có chi phí nhân công, sinh hoạt, giá thành đầu tư cho du lịch thấp hơn Úc. Trong nhóm các nước có chi phí du lịch thấp nhưng có những yếu tố hấp dẫn đối với người Úc, cái tên Việt Nam nổi lên khá rõ.

Còn tờ The Sun-Herald trích đoạn trả lời phỏng vấn của 2 cư dân phần nào đại diện cho lớp trẻ của Sydney, chi phí cho chuyến du lịch kéo dài 12 ngày đi thăm thú khắp nơi ở Việt Nam vừa rồi của họ chỉ tốn 1.000 USD, trong khi cũng với số tiền này nếu đi du lịch tại Úc chỉ đủ cho 5 ngày. “Điều đó nói lên du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội không nhỏ một khi các cửa khẩu sân bay quốc tế được khai thông. Vì người Úc, người Mỹ hay người châu Âu ít nhiều đều có một mẫu số chung là du lịch trong nước đắt hơn du lịch quốc tế. Ở đó Việt Nam là một điểm đến khá hấp dẫn không còn gì bàn cãi”, doanh nhân Lý Quí Trung, nhà sáng lập chuỗi Phở 24, nhận định.

Ảnh: VNA
Ảnh: VNA

Trong một đánh giá thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lượng khách quốc tế chỉ có thể phục hồi bằng với mức năm 2019 vào quý III/2021. Lý do là hành khách phải có phiếu xét nghiệm âm tính với virus và phải được kiểm tra khi đến Việt Nam. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này nhằm đảm bảo phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh tái xâm nhập, giống như trường hợp tại Đà Nẵng vừa qua.

“Theo quan điểm của chúng tôi, mỗi tuyến quốc tế có thể mất 7 tháng kể từ ngày mở cửa trở lại để khôi phục hoàn toàn, gấp đôi thời gian hồi phục so với thời điểm dịch SARS năm 2003”, VNDirect nhận định.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam sẽ ưu tiên những đường bay đến các nước Đông Bắc Á sau thành công kiểm soát dịch của các nước này, đồng thời cũng là các điểm đến quốc tế chính của hãng hàng không như Vietjet. “Chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế của Vietjet sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch trong quý III/2021. Năm nay, lượng khách quốc tế của Vietjet dự kiến giảm 87,7% xuống còn 0,98 triệu lượt trong năm 2020 nhưng sẽ tăng 589% lên 6,78 triệu lượt trong năm 2021. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 15,3% so với năm 2019”, VNDirect đánh giá.

Bên cạnh đó, Vietjet sẽ bán cổ phiếu quỹ trong năm nay cho một nhà đầu tư chiến lược và đem lại cho Hãng 1.864 tỉ đồng. Vietjet trong những năm tới có thể cải thiện được biên lợi nhuận nhờ tham gia vào mảng hoạt động phục vụ mặt đất. Trước mắt Vietjet được cấp phép vận hành dịch vụ này tại Nội Bài, đồng thời được Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) giảm cho 30-70% phí dịch vụ mặt đất và giá thuê mặt bằng tại các sân bay. Việc tham gia vào mảng mặt đất đánh dấu bước tiến quan trọng cho quá trình tự do hóa vận tải hàng không của Việt Nam, vốn được độc quyền bởi Nhà nước, mở thêm cơ hội hoàn thiện chuỗi giá trị kinh doanh cho các hãng hàng không tư nhân.