Thị trường hàng không Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: Cục hàng không Việt Nam
Bầu trời chật chội, lối bay nào cho Vinpearl Air, Vietravel Airlines?
Trong khi hạ tầng hàng không chưa được cải thiện, số slot bay (giờ cất và hạ cánh của các chuyến bay) có hạn, cơ quan quản lý đang gặp khó trong việc phân chia slot cho hãng cũ và hãng mới.
Các hãng hàng không mới liên tục được thành lập
Cục Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, thời gian gần đây, các hãng hàng không đều ráo riết lên kế hoạch tăng thêm máy bay để phục vụ nhu cầu phát triển nóng. Theo báo cáo của hãng Vietjet Air (VJA), từ nay đến năm 2023, hãng sẽ nhận bàn giao 100 tàu bay mới từ các hãng Boeing và Airbus, gồm cả dòng A320 và dòng B737 MAX.
Trong giấy phép kinh doanh của hãng Bamboo Aiways khi thành lập, cơ quan quản lý cho phép hãng khai thác 10 tàu bay, hiện tại hãng đang đề xuất cấp mới giấy phép bay với số vốn đăng ký mới lên 1.300 tỷ đồng và nâng số lượng tàu bay lên 40 chiếc.
Ngay sau hãng hàng không của Tập đoàn FLC chính thức bay, đang có ít nhất 2 cái tên xếp hàng để gia nhập thị trường hàng không Việt Nam là Vietravel Airlines và gần đây nhất là Vinpearl Air. Cùng đó, có thể tính đến Công ty CP Hàng không Thiên Minh do ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group đăng ký thành lập với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không cũng được cho là đang “nhòm ngó” thị trường vận tải hàng không này. Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air), số vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng, đặt căn cứ tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam).
Số slot bay được cấp và đã sử dụng của các hãng bay lớn tại Việt Nam. Nguồn: NCDT tổng hợp |
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc thành lập các hãng hàng không mới sẽ khiến thị trường hàng không thêm sôi động, hành khách có nhiều sự chọn lựa. Tuy nhiên việc ra đời dồn dập nhiều hãng hàng không cùng lúc và tăng nóng quy mô đội tàu bay trong bối cảnh hạ tầng sân bay đang quá tải sẽ là "bài toán" khá hóc búa đối với cơ quan quản lý.
Còn cơ hội cho Vinpearl Air, Vietravel Airlines?
Tại họp báo quý III của Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ này thừa nhận hạ tầng hàng không Việt Nam còn hạn chế nhưng quan điểm chung của Bộ là vẫn sẽ ủng hộ mở thêm hãng bay mới.
Cụ thể, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, về hạ tầng hàng không của Việt Nam "là còn hạn chế" trong bối cảnh tăng trưởng của ngành hàng không rất cao (15-17%).
Xem xét về vấn đề của Vietravel Airlines, theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này lại càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ. Trong khi đó, lãnh đạo Cục Hàng không lại khá lạc quan về bài toán hạ tầng cho hãng mới.
Trước đó ít ngày, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, việc Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, phía tổng công ty cũng khẳng định, slot khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã không còn.
Nói về việc tham gia thị trường của các hãng hàng không mới, chia sẻ với truyền thông, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, hãng này không ngại cạnh tranh. “Chợ càng đông, càng vui”, ông Thành khẳng định.
Theo ông Thành, cạnh tranh cũng là động lực để Vietnam Airlines tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, trình độ quản lý để phục vụ tốt hơn khách hàng. Vietnam Airlines sẽ phối hợp với các hãng hàng không trong Group (Jetstar, Vasco) để duy trì thị phần nội địa.
►Thêm Cánh Diều, thị trường hàng không Việt Nam ngày càng tự do hóa với nhiều tân binh