Thứ Tư | 16/04/2014 18:49

Bầu Kiên vẫn "phủ bóng" lên ACB

Ngân hàng hiện vẫn đang tiếp tục xử lý những vấn đề tồn tại của ông Kiên và ban lãnh đạo cũ để lại.
Giới tài chính đánh giá, Ngân hàng ACB phải mất ít nhất từ một đến hai năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng của một ngân hàng thương mại từng phát triển khá nhanh trên thị trường.

Trong suốt gần hai năm kể từ khi bầu Kiên - một cổ đông lớn của ACB - bị bắt vào tháng 8-2012 tới nay, Ngân hàng ACB đã tập trung vào xử lý các vấn đề nội bộ; các tài sản cho vay liên quan đến ông Kiên, Vinalines và các khoản tiền gửi, cho vay liên ngân hàng; xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng theo hướng tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tài liệu và thông tin tại Đại hội đồng cổ đông của ACB vừa tổ chức tại TPHCM vào ngày 14-4, cho biết ACB đã thu hồi được 1.247 tỉ đồng trong năm 2012 trong số hơn 7.000 tỉ đồng nợ liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên và các công ty của ông Kiên, và dự kiến sẽ thu hồi thêm 3.000 tỉ đồng nữa trong năm 2014.

Theo phân tích và đánh giá của các chuyên viên trong một báo cáo của Công ty chứng khoán HSC, Ngân hàng ACB có kế hoạch thu hồi phần còn lại (6.726 tỷ đồng) trong hai năm 2014-2015.

Trong năm 2014, Ngân hàng hy vọng có thể thu hồi được 3.000 tỉ đồng, một kế hoạch đã được NHNN thông qua. Kế hoạch thu hồi nợ này có tính khả thi khi giá trị tài sản đảm bảo bao gồm cổ phiếu niêm yết và tiền gửi có tổng giá trị là 2.600 tỉ đồng. ACB đang đàm phán với nhóm các công ty liên quan đến ông Kiên để bán các tài sản đảm bảo nợ vay.

Tuy nhiên, số nợ có thể thu được năm 2015 sẽ khó đoán vì các tài sản đảm bảo là cổ phiếu chưa niêm yết. Ngoài ra, ACB cũng có một số dư nợ gián tiếp đối với nhóm các công ty của ông Kiên.

Vào cuối năm 2013, ACB có dư nợ cho vay, trái phiếu, các khoản phải thu… đối với ông Kiên và nhóm các công ty liên quan với tổng số tiền là 6.726 tỉ đồng, giảm từ mức 8.059 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

Một báo cáo khác liên quan đến ACB của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt nhận định, ACB đang nỗ lực cơ cấu lại hoạt động và xử lý nợ xấu trong hai năm qua, dù các hoạt động này khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm. Trong năm 2013, ACB đã trích lập dự phòng cho các khoản tiền gửi quá hạn tại Vietinbank (dự phòng 375 tỉ đồng, hay 50% giá trị khoản tiền gửi) và khoản vay của Vinalines.

ACB đã bán nhiều khoản đầu tư để huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính và giảm cho vay trên liên ngân hàng. Ví dụ ngân hàng đã bán 90% cổ phiếu trong danh mục cổ phiếu ngân hàng vào năm 2013, và có kế hoạch bán phần còn lại khi điều kiện thị trường thuận lợi. Ngân hàng ACB cũng giảm 90% quy mô hoạt động tiền gửi và cho vay trên liên ngân hàng trong hai năm qua.

Sau khi tái cơ cấu bảng cân đối tài sản, hệ số CAR của ngân hàng đã tăng lên 14,53% vào cuối năm 2013 từ mức 13,5% vào cuối năm 2012. Song ngân hàng chưa có kế hoạch tăng vốn trước quý 2 năm 2015.

ACB sẽ trải qua thêm một năm chi trả cổ tức ở mức thấp trong năm 2014. Dựa vào dự báo lợi nhuận năm 2014, ngân hàng có kế hoạch dành 737 tỉ đồng để chi trả cổ tức, tương đương với tỷ suất sinh lợi từ cổ tức là 4,5%.

Trong năm 2014, nhóm tác giả báo cáo của HSC cũng dự báo ngân hàng sẽ tăng trích lập dự phòng để xử lý những khoản nợ có vấn đề phát sinh trước đây. Trong đó có 1.511 tỉ đồng, tương đương 57,2% thiệt hại dự kiến liên quan đến ông Kiên, các khoản cho vay/gửi tiền liên ngân hàng quá hạn và được tái cấu trúc; khoảng 63 tỉ đồng trích lập cho nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2013.

Ngân hàng đã bán 423 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2013. ACB dự kiến bán tiếp 80 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong đầu năm nay. Ngân hàng còn có dư nợ cho vay và trái phiếu của Vinalines tổng cộng là 964 tỉ đồng và HSC cho rằng một phần trong số này sẽ được bán cho VAMC trong năm 2014.

Tính đến cuối năm 2013, ACB đã giảm các khoản vay liên ngân hàng từ 29% tổng tài sản trong năm 2011 xuống chỉ còn 4% tổng tài sản, hoàn toàn đóng vị thế vàng và chuyển đổi các khoản nợ bằng vàng sang các khoản nợ bằng đồng nội tệ. Huy động vốn phần lớn được dùng để mua trái phiếu chính phủ, khoản này tăng 65% so với năm 2012, chiếm 70% tổng đầu tư, trong khi tín dụng chỉ tăng 4%. Những động thái này cùng với việc lãi suất giảm trong năm 2013 đã khiến biên lợi nhuận và thu nhập từ lãi giảm xuống, tuy nhiên ngay lập tức giúp cho ACB thoát được những khoản lỗ bất thường và tái tập trung vào thế mạnh trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu thoái vốn khỏi các ngân hàng khác nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

Kết thúc năm 2013, lợi nhuận ròng sau thuế của ACB tăng 5% so với năm 2012, đạt 824 tỉ đồng, chỉ bằng 58% mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chính là do thu nhập ròng từ lãi (NII) giảm 36% và chi phí dự phòng tăng 64%. Dự phòng và thu hồi nợ tăng mạnh sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản, nhưng gánh nặng dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ít nhất từ 2 đến 3 năm.

Vì những khó khăn còn nhiều nên ACB đưa ra kế hoạch kinh doanh 2014 khiêm tốn với chỉ tiêu lợi nhuận là 1.189 tỉ đồng, tăng 14,5% so với năm trước. Cụ thể, tài sản tăng 14% (lên 190.000 tỉ đồng), huy động tăng 13%, tín dụng tăng 13%, với tỉ lệ dư nợ/vốn huy động là 78%, nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.189 tỉ đồng, tăng 15%, và thoái vốn khỏi các ngân hàng khác nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

Kết thúc quý 1-2014, ACB đạt kết quả kinh doanh 303 tỉ đồng, hoàn thành 25,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm, tương đương với cùng kỳ năm trước nhưng chất lượng lợi nhuận cao hơn do ngân hàng đã trích lập chi phí dự phòng cao hơn.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện