Bầu Kiên tự bào chữa tại tòa
Bị cáo Kiên nói, không biết nội dung việc Hải trình về việc ủy thác tiền gửi. Khi lấy ý kiến HĐQT, ông Trần Xuân Giá không lấy ý kiến của Kiên về việc ủy thác.
Theo bị cáo Kiên, đối với vấn đề thiệt hại của ACB, trong thực hiện ủy thác gửi tiền thì tổng thu 1.800 tỷ đồng, nếu trừ đi khoản tiền khoảng 718 tỷ bị mất thì vẫn không gây ra thiệt hại nào của ngân hàng ACB. Ngân hàng ACB không có vốn của Nhà nước, việc mất tiền không làm thiệt hại cho cổ đông, người dân. Nếu có chăng thì chỉ là giảm cổ tức của cổ đông. Cho nên Ngân hàng ACB vẫn không bị thiệt hại nào kể cả việc ngân hàng Vietinbank không trả tiền.
17h20: Bị cáo Kiên khẳng định không có bất cứ mối quan hệ nào trong việc đầu tư cổ phiếu của ngân hàng ACB liên quan đến ACBS.
Đối với việc cung cấp liên ngân hàng giữa ACB và Kienlongbank và Vietbank không phải mới thực hiện từ năm 2009-2010 vì ACB được NHNN phê chuẩn là cổ đông chiến lược của hai ngân hàng này.
Bản luận tội trong cáo trạng: Vì phát sinh các khoản lỗ do hành vi đầu tư cổ phiếu. Kiện nói rằng, không có bất kỳ căn cứ nào để nói về khoản lỗ của ACBS. "Cách tính thiệt hại của ACB vô lý đến kinh ngạc" bị cáo Kiên nói.
Tiền của ACB không sử dụng được thì phải trả lại cho người dân, việc gửi tiền liên ngân hàng đưa lại cho ACB khoản thu lớn. ACB không chỉ liên hệ với hai ngân hàng này mà còn với nhiều ngân hàng khác. Lúc lớn nhất lên đến 70.000 tỷ đồng. Các tính khoản lỗ này của cáo trạng, bị cáo Kiên bảo là rất phi lý.
17h15: Trình bày về hành vi bị truy tố về việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên nhắc lại việc không bàn về việc mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. Bị cáo tiếp tục khẳng định không có chỉ đạo trong việc mua cổ phiếu ACB. Việc mua cổ phiếu ACB là chủ trương của Kiên nhưng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty ACI.
Khi hợp tác kinh doanh giữa Công ty Chứng khoán ACBS với ACI và ACI-HN, trong Hợp đồng hợp tác không có dòng nào nói về việc mua cổ phiếu ACB.
Trong hợp đồng có điều khoản, cổ phiếu của ai thì cuối năm phải xác nhận văn bản. Còn hợp tác là hỗ trợ vốn. Không có văn bản nào xác nhận cổ phiếu của ACB thuộc ACBS.
17h00: Theo Kiên, việc thành lập Hội đồng Sáng lập được các cổ đông thông qua. Hội đồng sáng lập không trái với quy định của pháp luật không trái quy định của ACB. Hội đồng Sáng lập được tham gia vào tất cả các cuộc họp, nêu ý kiến tại cuộc họp HĐQT nhưng không được đưa ra quyết định cuối cùng.
Kiên trình bày vấn đề này vì rằng đang bị cáo buộc gây áp lực trong việc chỉ đạo của HĐQT.
Kiên nhắc lại việc mình từng giao nhiệm vụ cho bị cáo Lý Xuân Hải khi đưa Hải về làm CEO của Ngân hàng ACB là phải hành động vì lợi ích của ACB chứ không phải với bất kỳ của ai.
Kiên cho rằng, trong cổ phần của ACB, Kiên không phải là người chiếm nhiều cổ phần nhất nên không thể là người quyết định mọi phán quyết của ACB.
16h55: Nói về sai sót trong hợp đồng mua bán cổ phiếu, Kiên nói sai sót ở đây là của một số thành viên của Tập đoàn Hòa Phát. Bị cáo Yến và Thanh có sai sót nhưng không phải là để lừa đảo bất kỳ ai.
Kiên cũng nói rằng đã đề ra hai phương hướng giải quyết về số cổ phiếu bị phong tỏa nhưng không được chấp nhận.
Đối với hành vi cố ý làm trái, Kiên xin dành nhiều thời gian để nói về điều này với tư cách là một bị cáo trong một vụ án và một chuyên gia trong lĩnh vực này.
16h45: Bầu Kiên tiếp tục được trình bày về hành vi lừa đảo.
Bị cáo Kiên nói: Bị cáo không có ý thức chiếm đoạt. Kiên nhắc lại việc chỉ đạo nhân viên để lại một số tiền trong tài khoản ở Ngân hàng ACB. Điều này hoan toàn khác đối với việc Kiên có ý thức chiếm đoạt tiền. Số tiền 264 tỷ khi về tài khoản đã về tài khoản của công ty và sử dụng với mục đích của công ty. Công ty tạm ứng cho Kiên và phải làm văn bản để Kiên phục vụ mục đích kinh doanh không giống như luận tội của VKS.
Kiên nói rằng, Kiên điều hành hàng trăm công ty. Mọi thanh toán đều có sổ sách, không ai có thể rút tiền của công ty.
Nhắc lại quan hệ của Kiên và Tập đoàn Hòa Phát, Kiên nói không phải một sớm một chiều mà là quan hệ nhiều năm. “Tập đoàn Hòa Phát lớn mạnh như ngày hôm nay là có sự hỗ trợ của tôi, của Ngân hàng ACB”, Kiên nói.
16h35: HĐXX tiếp tục làm việc.
16h22: Tòa nghỉ giải lao.
16h20: Bào chữa cho nội dung Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kiên nói rằng: “Đây là tội danh tôi bức xúc nhất. Tôi là một doanh nhân có tên tuổi mà lại đi lừa đảo bạn thân của mình”.
Theo lời Kiên, việc hoán đổi cổ phiếu là một nghĩa cử Kiên giúp bạn bè, cụ thể là giúp anh Long (Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), không có mục đích nào khác. Kiên đã nêu ra nhiều lần nhưng cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án.
Quan điểm của VKS và cáo trạng nêu là ký biên bản HĐQT, Nghị quyết HĐQT là khống. Theo Kiên: Đây là hợp đồng thật 100%. Việc này được pháp luật thừa nhận, chỉ có cơ quan điều tra không thừa nhận.
Kiên cũng nói rằng trong vụ việc này: “Tôi đã chịu nhiều sức ép, để không đẩy bạn bè tôi ở Tập đoàn Hòa Phát vào vòng lao lý”.
Đối với cổ phiếu, cổ phần bị thế chấp, Kiên nói đã nhiều lần yêu cầu ACB họp để làm rõ tài sản thế chấp, đánh giá tài sản thế chấp của Công ty ACBI đối với Ngân hàng ACB. Kiên cũng đưa ra minh chứng cụ thể về cuộc họp.
16h17: Đối với tội trốn thuế, Kiên bảo “khi nhận lệnh này tôi không còn ngỡ ngàng. Tôi biết, tôi đã bị áp đặt vào tội trốn thuế”.
Kiên nói rằng, mình hoàn toàn không hề biết là 6 tháng sau khi hợp đồng ủy thác của Nguyễn Thúy Hương đối với Công ty B&B và hợp đồng ủy thác giữa B&B với Ngân hàng ACB được ký, Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân. “Tôi là một công dân làm sao mà biết được. Đây là sự áp đặt, quy chụp”. Kiên nói.
Trình bày tiếp, Kiên nói rằng, trong phần luận tội, nói đây là hợp đồng trá hình. Hợp đồng này ký kết giữa hai bên là hợp đồng dân sự (Kiên – em gái và vợ). Nếu theo hợp đồng ủy thác, phần thua thiệt nếu có xảy ra là em gái và Kiên chứ không phải công ty B&B. Cho nên không ai đi bỏ tiền để bù lỗ cho một hợp đồng trá hình.
Bị cáo Kiên cho rằng, qua phần xét hỏi và hỏi đáp của các luật sư, đại diện Tổng Cục thuế nói không nhận được phụ lục hợp đồng. Nếu nhận được Tổng Cục thuế đã có ý kiến khác. Tổng Cục thuế còn yêu cầu lấy ý kiến của NHNN. Nhưng cơ quan điều tra đã lấy ngay văn bản của Tổng Cục thuế để áp đặt tội danh với Kiên.
Bị cáo Kiên đồng thời đề nghị VKS xác định trong điều 108, Bộ Luật hình sự, công ty B&B sai ở đâu, nội dung nào?
Bị cáo Kiên cũng kêu ca: “Cơ quan công tố khi truy tố không nêu nội dung của điều luật, sai nguyên tắc cơ bản của điều luật. Sai ở điều nào ở điểm luật. Nếu chỉ ra điều sai, tôi nhận và không tranh luận".
16h13: Cũng tại Tòa, biện luận về nội dung truy tố kinh doanh vàng trái phép ở Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên khẳng định không kinh doanh vàng trái phép.
Theo lập luận, Công ty Thiên Nam đầu tư tài chính thông qua giá vàng. Hợp đồng ủy thác giữa Công ty Thiên Nam ký với Ngân hàng Vietbank và Ngân hàng ACB có đúng pháp luật và đây thuộc quyền của TGĐ Lê Quang Trung.
Dẫn chứng cho lập luận, Kiên đưa 2 bản hợp đồng ủy quyền giao dịch vàng. Phiếu lệnh ủy thác đều có chữ ký của ông Lê Quang Trung. Đối với Kiên, chỉ nhận trách nhiệm là giúp ông Lê Quang Trung đưa lệnh này đến Ngân hàng ACB. Các văn bản pháp lý để Công ty Thiên Nam đầu tư vàng không trái pháp luật vì giấy phép của Công ty Thiên Nam là có mua bán hàng hóa…. Trong đó có vàng. Nếu xác định là tài chính, hay hàng hóa cũng không sao. Cho nên, Kiên kết luận: Không phạm tội kinh doanh trái phép.
16h10: Bị cáo Kiên tiếp tục nói rằng, bị cáo đầu tư hợp pháp, đúng luật, và cho rằng "cơ quan truy tố và điều tra đã có cái nhìn phiến diện, sai lầm".
16h05: "Trên đường dẫn giải, tôi được nghe trên Đài TNVN về nội dung làm việc của Quốc hội trong ngày, trong đó có nội dung xóa bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện. Nếu Quốc hội thông qua thì đây là sự hàm ơn lớn nhất đối với tôi”, Kiên nói.
Bị cáo Kiên nhắc lại việc kiến nghị Tòa mời đại diện VCCI, vì theo lý luận của Kiên là hội viên của VCCI, họ phải có trách nhiệm lên tiếng không phải vì quyền lợi của riêng Kiên mà cả các doanh nghiệp khác.
16h00: Bị cáo Kiên nói: "Tôi rất buồn khi nghe tin 2 công ty đã phải thoái vốn, 2 công ty này được thành lập trên văn bản chấp thuận của Bộ KHĐT, sau khi Bộ này đã có các mã ngành nghề. Ý kiến của các Ban, ngành tôi đọc rất kỹ, và thấy không có dòng nào việc đăng ký kinh doanh phải theo mã 64990 nào đó".
15h35: Bắt đầu bào chữa cho hành vi kinh doanh trái phép, Kiên nói, "không chỉ đầu tư 6 công ty mà đầu tư trên 100 doanh nghiệp, hoạt động gần như toàn diện trên nền kinh tế".
15h30: Bị cáo Kiên đưa lý lẽ, Kiên không phải là sở hữu 3 công ty mà cơ quan điều tra truy tố mà chỉ là 1 trong 3 người sở hữu như Công ty B&B, Công ty tài chính Á Châu….
Đối với việc các công ty này không có chức năng tài chính nhưng đã tiến hành mua cổ phần của các ngân hàng khác; việc mua cổ phần của các ngân hàng đều đúng so với luật định luật đầu tư, luật doanh nghiệp... cơ quan cảnh sát điều tra đã nhầm lẫn cơ bản, nghiêm trọng, trái pháp luật.
Tại Tòa, Kiên xin được đọc đơn kêu oan, ví nội dung đơn này xác định được xuyên suốt quá trình bào chữa, các tội danh bị truy tố oan… Yêu cầu của Kiên được HĐXX chấp nhập một phần và đề nghị tóm tắt những thông tin cần thiết.
Kiên nói tiếp: “Tôi không tiếp cận vấn đề như các luật sự đã nói mà tiếp cận với tư cách một người bắt đầu kinh doanh từ khi Nhà nước cho phép”.
15h26: "Khi tôi nhận được lệnh bắt và khởi tố về tội kinh doanh trái phép, đối với tôi trời đất như sụp đổ". Kiên cho rằng, Kiên không kinh doanh trái phép, không làm sai pháp luật.
“Đối với lệnh khởi tố, bắt tạm giam, chỉ có 4 dòng, nhưng cơ quan điều tra ghi không đúng”, Kiên nói
15h20: Đến lượt bị cáo Nguyễn Đức Kiên thực hiện quyền bào chữa cho mình.
15h06: Bị cáo Lê Vũ Kỳ không bổ sung quan điểm bào chữa mà chỉ mong vào sự xét xử công mình của HĐXX.
14h55: Bị cáo Trịnh Kim Quang đưa ra quan điểm tranh luận. Bị cáo Quang cho rằng, cáo trạng cáo buộc không thuyết phục khi quy tội cho bị cáo mà họ không thuộc chức trách mà họ phải thực hiện. Việc thông qua nghị quyết ủy thác có hai đơn vị trong Ngân hàng ACB thực hiện rà soát. Đến năm 2011, sau khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực, hai đơn vị này tiếp tục rà soát và không thấy vi phạm nên tiếp tục tiến hành. Cho nên việc rà soát việc có sai phạm pháp luật hay không không phải là trách nhiệm của HĐQT vì đây là sự phân công của HDQT ACB.
Đối với việc đầu tư cổ phiếu, bị cáo Quang nói, không bàn bất việc mua cổ phiếu ACB. Người dân có quyền làm gì không cấm và sử dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình, cho nên bị cáo Quang đề nghị cầm xem xét kỹ đối với hành vi đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB.
14h45: Đối với việc mở tài khoản chuyển tiền từ ACB sang Vietinbank, việc lập tài khoản trước, chuyển tiền sau bị cáo Hải nói là chuyện xảy ra thường ngày ở các ngân hàng. Tiền vào ngân hàng Vietinbank thì đã là tài sản của Vietinbank. Do vậy, ngân hàng Vietinbank phải quản lý tài sản đó.
"Đối với hành vi rút tiền của Huyền Như, cáo trạng nói Huyền Như “gian dối”. Việc gian dối này là gian dối với Vietinbank", bị cáo Hải biện luân.
Bị cáo Hải cũng cho rằng, trong quá trình tranh luận, các bên có bàn về việc quản lý tài sản có trong tài khoản, ở đây có sự nhầm lẫn. Đối với việc quản lý tài sản trong tài khoản là như quy định trong một số văn bản đã nêu ở tòa là đối với doanh nghiệp chứ không phải cá nhân.
Tiếp tục nói về cuộc họp HĐQT về đầu tư cổ phiếu, bị cáo Hải tiếp tục khẳng định hoàn toàn không nhắc đến việc mua cổ phiếu ACB.
Bị cáo Hải nói, không biết gì về việc mua bán cổ phiếu. Khi biết đã yêu cầu chấm dứt. Cho nên đề nghị VKS xem xét lại truy tố.
14h40: Bị cáo Hải cho rằng, đối với việc ký biên bản họp HĐQT, theo một số văn bản pháp luật, Hải bảo không sai luật ở thời điểm đó. “Nếu sai thì chúng tôi đã không chuyển ý kiến lên HĐQT”.
Theo bị cáo, đến thời điểm ủy thác gửi tiền trong năm 2011 là không có gì sai vì chưa có hướng dẫn. "Bản thân tôi cũng đã hỏi các nhà quản lý về vấn đề này. Đối với điều 106, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, các ngân hàng đang hoạt động như các đại lý. Hoạt động này, NHNN biết nhưng vẫn để các ngân hàng làm theo văn bản cũ. Do vậy, chúng tôi không làm sai điều 106”.
Bị cáo Hải nhắc lại quá trình điều tra xét hỏi tại tòa, bị cáo Hải nói không tham gia chỉ đạo gửi số tiền 718 tỷ ở đâu, gửi như thế nào. “Tôi quản lý hơn 300 đơn vị trong hệ thống thì không thể hỏi từng đơn vị một được”, bị cáo Hải nói.
14h25: Các bị cáo bắt đầu thực hiện quyền tranh luận trước tòa. Đầu tiên là bị cáo Lý Xuân Hải.
14h20: Luật sư Kiều Dương bảo vệ quyền lợi cho hai Công ty: Siêu thị Á châu và Liên Á châu. Hai công ty này ra đời từ việc góp vốn và sáng lập từ Công ty ACBI. Đồng quan điểm với các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên không phạm tội kinh doanh trái phép, luật sư Dương đề nghị hợp pháp tính chuyển nhượng của hai công ty này.
14h05: HĐXX bắt đầu làm việc. Các luật sư tiếp tục tranh luận trước Tòa.
>>>>>> Toàn cảnh phiên sáng 29/5
Nguồn VOV