“Bầu” Kiên khẳng định “đủ sức khoẻ nói liên tiếp 5 ngày” để chứng minh vô tội
Trước khi vào phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tâm sự: "Sáng nay vợ tôi có thông qua các luật sư nhắn tôi là tôi không cần nói gì cả vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, từ sáng tới giờ tôi chỉ đấu tranh việc có nói hay không nói. 800 ngày nay tôi đã không nói, vì vậy, hôm nay tôi xin phép HĐXX cho tôi nói”. Thậm chí, khi HĐXX lo ngại về sức khoẻ của bị cáo, “Bầu” Kiên dõng dạc khẳng định: “Tôi đã cố gắng tập luyện để có thể đứng vững tại toà nói liền 5 ngày”.
Mở đầu phần trình bày của mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên lưu ý với các luật sư bào chữa: "Tôi cũng nói với các luật sư, các anh có thể nhiều kiến thức song các anh không nắm sâu về kinh tế. Tôi được tham gia từ đầu vào tất cả các luật. Đề nghị các anh nói bằng giấy để tránh sai sót cũng như ngoài kiểm soát của tôi”.
Trình bày về tội Kinh doanh trái phép, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục cho rằng, việc đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp là đúng luật. “VKSND tối cao có khảo sát, đánh giá thực trạng việc cấp phép của VN vào các thời điểm bắt, khởi tố tôi hay không? VKSND tối cao đã không có đánh giá cụ thể, đã có những nhận định sai lệch” - “Bầu” Kiên nêu quan điểm.
Theo đó, nhận định đầu tư góp vốn là một hình thức núp bóng kinh doanh tài chính là nhận định sai lầm, ảnh hưởng tới độ an toàn của hệ thống DN Việt Nam. Bị cáo khẳng định: “Tôi nói với luật sư, nếu toà cho phép thì tôi có thể đăng ký với toà 1 ngày để nói về thực trạng của DN Việt Nam như thế nào, một ngày để nói về thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam như thế nào”.
Bị cáo Kiên cũng kiến nghị về việc ông Anh Vũ Trần Tiến Anh, TGĐ của Cty Thiên Nam rút kháng cáo về tội Kinh doanh trái phép. “Đến hôm nay tôi vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam. Việc đại diện trước pháp luật là anh Tiến Anh có kháng cáo hay không kháng cáo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình vì hành vi này đã không được báo cáo tới HĐQT, HĐQT chưa phê duyệt” - bị cáo nói.
“Bầu" Kiên cũng khẳng định việc: “Vàng là hàng hoá, là động sản mà theo luật Thương mại 2005 quy định cụ thể rồi. Nên không cần thiết phải tranh luận vàng có phải hàng hoá không. Vì khi vàng đã là hàng hoá, công ty Thiên Nam có được phép kinh doanh không? Đương nhiên Công ty Thiên Nam được kinh doanh vì công ty Thiên Nam được mua bán hàng hoá”.
Đến phần bào chữa về tội Trốn thuế, bị cáo Kiên xin đọc kháng cáo nội dung này. Bị cáo cũng xin nộp đơn kháng cáo mới có điều chỉnh và xin ký để nộp luôn tại toà. Tuy nhiên, chủ toạ cho rằng, bị cáo đã có 4 luật sư bào chữa, nhiều nội dung có thể trùng lắp nên bị cáo cần lưu ý nếu không sẽ không được trình bày. Lúc này, “Bầu” Kiên nhấn mạnh: “Trong đầu tôi có 1.000 trang chứ không chỉ vài trang, tuy nhiên, tôi mong muốn trình bày với toà ngắn gọn”.
Khi hỏi bị cáo Kiên về thời gian đọc và được biết việc này có thể kéo dài vài tiếng, HĐXX cho phép “Bầu” Kiên trình bày vào phiên xét xử ngày mai (10.12).
Nguồn Lao Động