Ảnh: TL.

 
Vũ Hoài Thứ Hai | 22/06/2020 19:30

Bầu Đức sắp chuyển sang nuôi lợn

Thị trường thịt lợn thăng hoa, bầu Đức đang có những bước đi đầu tiên gia nhập vào cuộc đua này.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch.

Vừa qua, trong tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai dự trình Đại hội cổ đông về việc chuyển đổi số dư nợ cho vay và nợ phải thu từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần.

 

Động thái này được tiến hành dựa trên 3 nguyên tắc và mục tiêu. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ tái cấu trúc tài chính Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai theo hướng tăng vốn, giảm nợ, giảm áp lực chi phí lãi vay, chuyển từ tình trạng thua lỗ sang có lãi trong thời gian sớm nhất.

Chuyển đổi công ty chăn nuôi thành công ty con để tham gia điều hành, tái cấu trúc bộ máy quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.  

Đồng thời, hướng đến nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, tránh xung đột lợi ích trong kinh doanh và quản trị của Tập đoàn.

Theo thông tin được công bố trên website hosocongty.vn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai được thành lập năm 2014 với ngành nghề chính là chăn nuôi trâu, bò và sản xuất giống trâu, bò. Vào tháng 6.2020, Công ty đã tiến hành thay đổi đăng ký kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, tại thời điểm 31.3, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn hơn 38,6 tỉ đồng từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai. Ngoài ra, còn có các khoản hơn 1.252 tỉ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn, hơn 4.163 tỉ đồng phải thu về cho vay dài hạn và gần 84 tỉ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn (ứng trước tiền mua hàng hóa) liên quan đến Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai.

Động thái chuyển đổi của nợ cho vay và phải thu từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần được đánh giá là bước đi đầu tiên của bầu Đức khi tham gia vào lĩnh vực nuôi lợn.

Thị trường thịt lợn đang thăng hoa, doanh nghiệp chăn nuôi lãi lớn

Giá thịt lợn hơi ngoài thị trường tăng cao đã khiến cho các doanh nghiệp chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và một số ngành nghề liên quan “được mùa”.

Điển hình như Dabaco (HOSE: DBC) ghi nhận doanh thu tăng 41% lên 2.387 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 17 lần cùng kỳ đạt 349 tỉ đồng trong quý I. Công ty Chăn nuôi Mitraco chuyển từ lỗ cùng kỳ sang có lãi hơn 22 tỉ đồng. Hay như Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng lãi hơn 480 tỉ đồng từ mảng nông nghiệp, gấp hơn 5 lần cùng kỳ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số lượng đàn lợn năm 2019 so với năm 2018 giảm 21%, nhưng theo báo cáo từ địa phương, sản lượng lợn có thể giảm trên 50%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân chưa yên tâm khi tái đàn, do lo ngại lợn có thể bị chết. Hơn nữa, nhiều gia đình gặp khó khăn về nguồn vốn tái đàn, trong khi giống rất đắt có khi lên tới hơn 3 triệu đồng/lợn giống.

Nguồn: NCĐT.
Nguồn: NCĐT.

Hiện các doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp, trong khi các hộ này gặp khó khăn, nguồn cung thiếu lại càng thiếu.

Tuy nhiên, đến hết tháng 4.2020 theo thống kê của Hải quan, lợn nhập mới đạt 45.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn mà lãnh đạo Chính phủ giao. Vì vậy Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung tái đàn, phối hợp Bộ Công Thương, các bộ ngành khác trong việc tăng cường nhập lợn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: "Hiện có gần 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, có thị phần lớn, chiếm 35%, chúng tôi có đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp không vi phạm chuyện thống lĩnh thị trường nhưng họ có ảnh hưởng lớn. Ví dụ doanh nghiệp cổ phần của Thái Lan lớn nhất chiếm gần 20% thị phần lợn toàn quốc (19,1%), gấp 15 lần thị phần Dabaco, 6 lần thị phần CJ Hàn Quốc”.

* Có thể bạn quan tâm 

►Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi 'được mùa': Lãi cả năm 2019 không bằng quý I/2020