Ảnh: Laodong.com.vn
Bát Tràng nung đất thành vàng
Khi mới đến Nhật, ông Ngô Hùng Lâm chỉ làm thợ xây dựng. Trong một lần về thăm quê, tới thăm làng gốm sứ Bát Tràng, ông quyết định đưa gốm sứ Việt Nam sang giới thiệu tại Nhật và trở thành một doanh nhân kinh doanh gốm sứ và hoa tại thị trường này.
Cơ duyên ở Nhật
Trong 2 năm đầu, ông Lâm mở cửa hàng bán gốm sứ Bát Tràng tại tỉnh Chiba. Đó là thời điểm năm 1995, khi người Nhật vẫn còn khá tin tưởng vào sản phẩm nội địa nên sản phẩm đến từ Việt Nam khó vào mắt họ. “Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, đồ gốm của Việt Nam làm không kỹ và vận chuyển đường xa nên bị lỗi, méo hoặc xước nhiều. Người Nhật lại quá kỹ tính nên họ không mua, thậm chí là một vết xước trong lòng chậu họ cũng từ chối”, ông Lâm kể lại.
Trong lúc đang bối rối vì chưa tìm ra giải pháp, vợ ông nghĩ ra cách trồng hoa vào chậu để làm mẫu cho khách hàng xem. Chậu trồng hoa vào nhìn rất sang, giá phải chăng và không thấy vết xước bên trong. Nhờ vậy mà hàng bán được. Từ đó, vợ chồng ông Lâm thường trồng một ít hoa vào chậu bày mẫu, chẳng ngờ khách hàng lại thích mua chậu có hoa trồng sẵn hơn là mua chậu không. Người Nhật có thú chơi hoa kiểng, hầu như gia đình nào cũng trồng hoa, thậm chí là trồng rất nhiều. Nhận thấy cơ hội tốt, có thể kết hợp với kinh doanh đồ gốm, cả hai quyết định mở thêm cả kinh doanh hoa và cây cảnh.
Nhờ sống lâu ở Nhật, nắm bắt được thị hiếu của người Nhật cũng như hiểu biết về nghệ thuật cắm hoa của xứ sở hoa anh đào, ông Lâm bắt đầu thiết kế mẫu hoa văn trên chậu hoa sao cho phù hợp với phong cách cắm và chủng loại hoa của Nhật rồi gửi về Bát Tràng đặt hàng. Với quyết tâm và khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường, cửa hàng gốm sứ kết hợp hoa của ông Lâm ở Chiba tạo được cảm tình và tín nhiệm của khách hàng, nên mở rộng dần và đến nay đã trở thành cửa hàng lớn và nổi tiếng nhất trong vùng, với diện tích rộng gần 6.000m2.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 252,62 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ dẫn đầu kim ngạch đạt 46,6 triệu USD, tăng 14,66% so với cùng kỳ năm 2018. Đứng thứ 2 là Nhật, đạt 35,82 triệu USD.
Cũng với quyết tâm xuất khẩu gốm sứ ra thế giới, bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh (Quảng Ninh), cũng đã tìm cách để mang thương hiệu gốm sứ Việt Nam ra thế giới. Thông qua bạn hàng, năm 1997, bà quen với một người Mỹ ở thành phố Dallas. Hai bên thỏa thuận làm hội chợ giới thiệu hàng Bát Tràng tại Mỹ. Hàng mẫu đã đi, nhưng làm visa đi chỉ có một mình bà Vinh được xuất cảnh. Không biết tiếng Anh, nhưng cuối cùng bà Vinh cũng đến được Dallas, Bali và toàn bộ mẫu sản phẩm mang đi cũng bán hết.
Sau chuyến đi đó, Công ty Quang Vinh đã xuất khẩu được 20 container sang Mỹ. Tuy nhiên, khách không đặt hàng lần thứ 2 chủ yếu là do sản phẩm đốt bằng than, củi, mặc dù được làm rất chau chuốt nhưng vẫn không đạt được độ đẹp mịn và thuế quá cao. Vì vậy, bà Vinh lại đi hàng loạt nước ở châu Âu, châu Á, Mỹ để tìm hiểu công nghệ sản xuất. Trở về, bà quyết định táo bạo đầu tư nhà máy mới, đưa khoa học công nghệ vào và phải làm chủ công nghệ, thường xuyên tạo ra mẫu mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Những thị trường mới
Để có thể nâng cấp công ty và tiếp tục đầu tư vào ngành gốm sứ, bà Vinh cho con gái đi học quản trị kinh tế tại Anh và cho con trai học cách sản xuất gốm sứ tại Trung Quốc. Sản phẩm gốm sứ kết hợp giữa hóa silicat xương và men, tạo ra gốm cứng, khó vỡ nhưng rất nhẹ. Cùng với đó là kết hợp các chất liệu men, hoa văn giữa cổ điển với hiện đại tạo ra sản phẩm thời trang nhưng không nhanh lỗi mốt trên thị trường. Bên cạnh đó, Công ty Quang Vinh cũng đào tạo chuyên môn sâu. Nhờ đó mà Quang Vinh đã sản xuất mỗi năm hàng triệu sản phẩm gốm, 80% được xuất sang trên 20 thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và Úc...
Trước đây, thị trường gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Sau đó, gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu bị gốm sứ Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh, nên những người dân tại làng nghề nổi tiếng này lại phải tìm hướng đi mới cho gốm Bát Tràng.
Ban đầu, họ nhắm đến Đài Loan (Trung Quốc). Thị trường này có nền văn hóa tương đồng với Trung Quốc nên rất chuộng đồ gốm sứ. Các mặt hàng gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu sang Đài Loan đầu tiên là gốm sứ mỹ nghệ và dân dụng như lọ hoa, chậu hoa nhỏ để bàn, sau đó là các loại chậu hoa, ống dù cỡ lớn... với nhiều loại hoa văn tinh xảo.
Năm 1990, Quang Vinh đã có đơn hàng đến Nhật và thị trường phát triển rất nhanh. Sau đó, Công ty có thêm những đơn hàng từ Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc. Thời điểm đó, mỗi tuần, Công ty xuất đi 9-10 container loại 40 feet. Khu vực Bát Tràng, Đông Dư có đến 400-500 hộ chuyên sản xuất hàng cho Quang Vinh để xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường gốm sứ Bát Tràng xuất khẩu những năm gần đây bị cạnh tranh bởi gốm sứ Trung Quốc. Các loại gốm sứ Trung Quốc đều sản xuất dưới dạng công nghiệp nên thời gian sản xuất nhanh, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ. Còn gốm sứ Bát Tràng vẫn sản xuất thủ công là chính, dây chuyền máy móc lạc hậu. Mặt khác, do chính sách hỗ trợ chưa có, đa số công ty của Bát Tràng đều là công ty nhỏ, thiếu vốn nên khi làm các đơn hàng lớn không có vốn đối ứng, không được mở chứng thư để vay vốn...
Mặc dù gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam luôn thuộc top 5 trên thị trường Nhật nhưng xét về giá, sản phẩm của Việt Nam thường thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Sản phẩm của Việt Nam được xác lập thuộc phân khúc thị trường giá rẻ, một phần là do sản phẩm gốm sứ Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa có sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chưa tạo được nhiều nét độc đáo. Đây sẽ là nỗ lực tiếp theo của tinh hoa gốm sứ Việt Nam trong quá trình chinh phục thị trường thế giới.
►Gốm sứ nội: Giành lại thị trường 5.000 tỷ