Chủ Nhật | 18/11/2012 23:16

Bất thường xuất siêu 10 tháng

Cả nước tiếp tục xuất siêu 64 triệu USD trong 10 tháng đang làm dấy lên lo ngại về những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2012 ghi nhận việc Việt Nam đã có mức xuất siêu 156 triệu USD. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp, nước ta có xuất siêu và tính chung, trong 10 tháng qua, cả nước vẫn xuất siêu 64 triệu USD - một hiện tượng chưa từng xảy ra trong vòng 20 năm qua (trừ năm 1992, Việt Nam xuất siêu khoảng 40 triệu USD, còn lại đều là nhập siêu lớn).

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, đây thực sự là một kỳ tích. Nếu so sánh với mức thâm hụt thương mại 8,92 tỷ USD của 10 tháng cùng kỳ năm ngoái, thì việc nước ta xuất siêu 64 triệu USD quả thực đáng coi là kỳ tích. Chỉ có điều, đó là một kỳ tích bất thường.

Trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho rằng, việc lạm phát giảm nhanh hơn mức dự kiến, cùng với nhập siêu giảm liên tục và xuất siêu trong những tháng qua cho thấy, thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào, cũng như tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm.

Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thẳng thắn đánh giá, nhập siêu giảm cũng đừng vội mừng, bởi đó không phải là công lao, mà chủ yếu do đình đốn sản xuất nên không nhập khẩu.

Câu chuyện nằm ở chỗ, không chỉ 10 tháng qua, sản xuất đình đốn, mà với xu hướng nhập siêu kéo dài hiện nay, những tháng tới, sản xuất cũng khó có dấu hiệu được cải thiện. Năm 2013 sẽ phải gánh chịu hệ lụy và đó mới là điều đáng lo.

Một khía cạnh khác cũng cần phải nói tới trong hiện tượng xuất siêu của 10 tháng qua, đó là xuất siêu hoàn toàn do “công” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thậm chí, có chuyên gia của Quỹ Đầu tư IDG Ventures Việt Nam còn chỉ đích danh tên một DN, đó là Samsung Electronics Việt Nam (SEV).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện đạt tới 10,06 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2011 (tương ứng tăng 5,28 tỷ USD). Và tất nhiên, phần lớn trong số này là của SEV. Dự báo, năm nay, SEV có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD.

Đúng là hơi quá khi nói xuất siêu là nhờ SEV, nhưng cứ làm một phép tính thế này, chỉ cần trừ đi khoản tăng thêm so với năm ngoái, thì 10 tháng, Việt Nam đã nhập siêu tới gần 5 tỷ USD. Tất nhiên, còn phải trừ đi giá trị linh kiện mà Công ty này nhập khẩu, nhưng nếu không có SEV, tăng trưởng xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm của Việt Nam không thể đạt 93,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng nói câu chuyện của SEV ở đây không phải chỉ để ngợi khen đóng góp tích cực của doanh nghiệp này, mà vấn đề nằm ở chỗ, một khi xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào một doanh nghiệp, thì thành tích là không bền vững.

Bởi thế, điều quan trọng là làm sao để kỳ tích xuất siêu không còn là bất thường và tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn. Việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, hay tích cực tìm thị trường xuất khẩu mới phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thêm vào đó, ở tầm nhìn xa hơn, phải làm sao để tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện