Bắt tay nhau ‘phá vòng vây’ hàng ngoại
Gần 250 doanh nghiệp (DN) Việt Nam cùng liên kết với nhau trong khâu sản xuất, phân phối để đưa những mặt hàng Việt đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Từ đó tạo ra cơ hội để DN nội đối đầu, cạnh tranh với hàng ngoại đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Chiết khấu bằng 0%
Ngày 1-6, tại Hà Nội, gần 250 DN Việt Nam đã cùng nhau ký kết hợp tác tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Trong đó, Vingroup là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, tiêu thụ các mặt hàng do DN Việt Nam sản xuất thuộc bảy ngành hàng tiêu dùng cơ bản gồm: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, văn phòng phẩm, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang và bông vải sợi đến từ 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Theo thỏa thuận được ký kết, trong vòng một năm, từ ngày 1-6-2016 đến 1-6-2017, các DN sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.
Cụ thể, Vingroup sẽ bán hộ không lãi, cam kết trả cho đối tác doanh thu theo đúng mức giá công bố thông thường. Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được Vingroup hoàn trả 100% về nhà cung cấp với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để DN tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tập đoàn này cũng khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.
Chia sẻ về cách làm này của các DN, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, kể khi bà về hưu có người hỏi “điều trăn trở nhất là gì?”. Bà Lan nói đó là DN Việt Nam chưa liên kết lại với nhau tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. “Sự liên kết của các DN Việt là niềm mong mỏi của tôi trong suốt 50 năm đồng hành cùng DN” - bà Lan nói.
Thời gian qua, các DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tạo ra làn sóng đầu tư mới nhưng cũng là điều gây lo ngại cho các DN nội địa, trong đó nổi cộm là ngành bán lẻ và sản xuất công nghiệp. “Ở Thái Lan không bao giờ đầu tư nước ngoài vượt được DN nội địa trong những ngành cốt lõi như công nghiệp và bán lẻ. DN mình cần sự cố gắng liên tục và cần được đồng hành, hỗ trợ” - bà Lan nói.
Bà Lan cũng cho rằng sự thiếu liên kết giữa sản xuất -phân phối là điểm yếu của DN Việt bởi phần lớn là DN nhỏ và vừa. Do vậy, việc 250 DN liên kết lại với nhau sẽ là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho hàng Việt trên chính sân nhà.
“DN nhỏ và vừa cần phải tìm kiếm được DN lớn có thế mạnh về phân phối, kết hợp với marketing, đầu tư công nghệ, liên tục nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu… Chỉ bằng con đường đó, nhà sản xuất mới đứng được và quyết định được số phận hàng chục triệu người lao động trong ngành” - vị chuyên gia này khuyến nghị.
Sức ép cạnh tranh phả vào gáy
Đồng quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ hàng hóa các nước ASEAN đã “phủ đầy” các kênh siêu thị ở Việt Nam. Sức ép cạnh tranh giống như sức nóng đã phả vào gáy các DN Việt. Cái khó của DN nội địa lâu nay là chi phí đầu vào cao và khó khăn trong đầu ra. Trong khi đó quá trình sản xuất không mạnh về công nghệ, dịch vụ và xúc tiến thương mại.
Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng chính những khó khăn, sức ép cạnh tranh nêu trên cũng là cơ hội cho DN Việt khẳng định vị thế của mình trên đất nước mình. “Đã có nhiều giải pháp để định vị vị thế của DN nhưng cuối cùng trong cuộc chiến giằng co đang diễn ra, DN phải cùng liên kết để củng cố vị thế hàng Việt, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Quan trọng hơn là những gì DN sẽ làm và quá trình đồng hành giữa các DN hiệu quả ra sao” - bà Hạnh nhấn mạnh.
Một điều được bà Hạnh lưu ý là liên kết DN không nên chỉ dừng lại ở khâu thu gom hàng hóa mà quan trọng hơn hàng hóa vào siêu thị phải đảm bảo chất lượng, có sự chọn lọc kỹ càng. Bà nói: “DN sản xuất muốn làm ăn với siêu thị cần hiểu rõ mô hình hoạt động của họ để đưa ra cách tiếp cận hợp lý. Đặc biệt, DN Việt có khi có thói quen đi đêm và tạo lợi ích nhóm, do đó muốn thắng được DN ngoại, DN Việt nên từ bỏ cách làm này”.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng sức ép cạnh tranh càng lớn, tài chính kém, thương hiệu không có thì cách tốt nhất để cạnh tranh là liên kết lại. Đây là một giải pháp nhưng chỉ mới là bước đầu, cái chính là DN phải có lộ trình cụ thể chứ không chỉ là tập hợp nhau lại về số lượng.
Tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng Theo bà Lê Thị Hà Chi, Giám đốc điều hành Công ty May Nhà Bè, việc ký kết hợp tác liên kết giữa các DN ở thời điểm này là điều đáng nhớ của công ty. Dệt may là ngành mũi nhọn nhưng trong bối cảnh hội nhập, ngành dệt may đang gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguyên liệu và gia công xuất khẩu. Thị trường trong nước có rất nhiều tiềm năng nhưng DN Việt chưa khai thác hết và thiếu kinh nghiệm, giải pháp marketing hiệu quả nên chưa có chỗ đứng xứng tầm. “Do đó, việc liên kết này sẽ giúp các DN trong nước tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng” - bà Chi nói. DN đầu tư nước ngoài hiện chiếm 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế tạo chiếm tới 70%. Hàng xuất khẩu tuy gắn mác “Made in Vietnam” nhưng có tới 70% là của DN nước ngoài, thương hiệu nước ngoài. |
Nguồn PLO