Bất động sản suy yếu, Hòa Phát gặp khó khi Nam tiến. Ảnh: Danviet
Bất động sản suy yếu, Hòa Phát gặp khó khi Nam tiến?
Trong báo cáo mới công bố ngày 19/11, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá dự án Dung Quất sẽ là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) sau giai đoạn 2020.
Theo nhận định của FPTS, với vị trí địa lý của dự án Dung Quất, thị trường mục tiêu chính của Hòa Phát sẽ là khu vực miền Nam và miền Trung. Hiện tại, hoạt động thâm nhập thị trường của Hòa Phát trong 2 khu vực này vẫn đang tăng trưởng khá tốt, với tổng sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2019 tăng 70%, chiếm 29,5% tổng sản lượng tiêu thụ. Trong dài hạn, với lợi thế về chi phí sản xuất thấp, FPTS cho rằng Hòa Phát sẽ gia tăng được thị phần và trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất tại 2 khu vực này.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những vấn đề suy yếu của thị trường bất động sản và chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng có thể khiến nhu cầu từ thị trường chậm lại, và việc thâm nhập của Hòa Phát sẽ mất nhiều thời gian hơn. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, tiêu thụ thép xây dựng tại miền Trung và miền Nam năm 2018 là khoảng 3,8 triệu tấn. Với công suất giai đoạn I của dự án Dung Quất là 2 triệu tấn/năm, Hòa Phát có thể sẽ chuyển đổi một phần sang bán phôi thép cho các doanh nghiệp thép xây dựng trong miền Nam để giải tỏa công suất. Cụ thể, trong tháng 10 và 11, Hòa Phát đã bán 60.000 tấn phôi cho Vinakyoei - doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất tại miền Nam. FPTS cho rằng đây là chiến lược hợp lý của Hòa Phát trong bối cảnh nhu cầu thị trường chậm lại, và kỳ vọng giai đoạn I của dự án Dung Quất sẽ hoàn thành bước thâm nhập thị trường trong 2020, và hoạt động 100% công suất từ năm 2021.
Đối với giai đoạn II của dự án Dung Quất, FPTS kỳ vọng đem lại tăng trưởng mạnh trong trung và dài hạn cho Hòa Phát.
Số liệu FPTS cung cấp, tính tới trước năm 2017, sản xuất thép của Việt Nam vẫn phải dựa khá nhiều vào nhập khẩu, và chủ yếu đến từ Trung Quốc. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là thép cuộn cán nóng (HRC) – nguyên liệu chính cho các sản phẩm thép dẹt (tôn mạ, ống thép) – do thị trường nội địa chưa sản xuất được sản phẩm này. Từ sau năm 2017, dự án Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động và có thể cung ứng được sản phẩm này, nhưng vẫn chưa thể phục vụ hết nhu cầu nội địa.
Hiện tại, nhu cầu nội địa cho sản phẩm HRC khoảng 12 triệu tấn/năm, các sản phẩm thép dẹt của Việt Nam (tôn mạ, ống thép) vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào HRC nhập khẩu, đặc biết là nguồn cung từ Trung Quốc. Với bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại gia tăng, nhất là với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc các nhà sản xuất thép dẹt sẽ cần đa dạng hóa nguồn cung đầu vào để giảm thiểu rủi ro bị đánh thuế tại các thị trường xuất khẩu.
FPTS đánh giá HRC sẽ là sản phẩm rất tiềm năng để Hòa Phát có thể khai thác, và giai đoạn II của dự án Dung Quất với công suất 2 triệu tấn/năm sẽ tập trung vào sản phẩm này. FPTS kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Hòa Phát trong giai đoạn 2022 - 2024.
Như vậy, có thể thấy trong ngắn hạn mặc dù Hòa Phát gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường miền Nam và miền Trung. Tuy nhiên, theo đánh giá của FPTS, Hòa Phát có nhiều động lực để tăng trưởng trong dài hạn.