Hẩm hiu ngành thép. Nguồn: Baomoi
Bất động sản 'đứng hình', ngành thép lao đao
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép toàn cầu có vẻ sẽ kết thúc năm 2019 với "tiếng thút thít" thay vì tiếng nổ vang. Các doanh nghiệp thép Việt theo đó cũng không tránh khỏi sự lao đao.
VSA thông tin, giá cuộn thép ở Mỹ và châu Âu đang ở hoặc gần mức thấp nhất trong ba năm. Ở Mỹ, hoạt động sản xuất trong tháng 9 đã có sự tăng trưởng nhẹ nhưng lĩnh vực này vẫn ở trong tình trạng ảm đạm ở châu Âu, bị kéo lùi bởi ngành công nghiệp ô tô mờ nhạt.
Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ ở mức thấp nhất trong sáu năm, trong khi GDP quý III/2019 của Trung Quốc ở mức tăng trưởng yếu nhất trong gần ba thập kỷ. So với nhiều thị trường, Trung Quốc mạnh mẽ với giá nội địa cao khiến Trung Quốc không cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu. Đây là lý do tại sao Nga đã và đang chào giá HRC sang Trung Quốc trong tháng này với mức giá thấp hơn 200 NDT/tấn ($28/tấn) so với giá nội địa Trung Quốc.
Top 10 quốc gia nhập khẩu thép từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Hiệp hội thép VSA. |
Còn để xuất khẩu sang thị trường như Mỹ, doanh nghiệp phải nhập thép cuộn cán nóng (HRC) từ Ấn Ðộ hoặc mua của nhà sản xuất trong nước là Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp lớn như Hòa Phát mới có thể duy trì mua hàng của Formosa Hà Tĩnh thường xuyên. Còn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đều gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh chung của ngành thép không mấy sáng sủa, nhiều doanh nghiệp thép đã thua lỗ nặng trong quý III/2019.
Đáng tiếc nhất là trường hợp của Thép Pomina (HoSE: POM) khi doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ gần 119 tỷ đồng trong quý III/2019. Trong quý III/2019, doanh thu thuần của Thép Pomina giảm 15% so với quý III/2018. Tuy nhiên, với biên lợi nhuận chỉ hơn 0,3% trong quý III/2019, lợi nhuận gộp của Thép Pomina giảm tới 92% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận vỏn vẹn 9,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động của Thép Pomia tăng 56% trong quý III/2019 vừa qua (trong đó tăng mạnh nhất là chi phí lãi vay), đã khiến Thép Pomina lỗ tới 119 tỷ đồng trong quý III/2019.
Giải trình về kết quả kinh doanh quý III/2019, Thép Pomina cho biết do Công ty đang triển khai 2 dự án trong đó dự án lò cao dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2020. Dự án Tôn mới cũng dự kiến đi vào hoạt động quý II/2019 nên chi phí lãi vay tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.
3 doanh nghiệp thép niêm yết báo lỗ cao nhất trong quý III/2019. Nguồn: NCĐT tổng hợp. |
Cùng chung kết quả kinh doanh hẩm hiu là CTCP Thép Việt Ý (HoSE: VIS) với khoản lỗ hơn 75 tỷ đồng trong quý III/2019. Kể từ quý I/2018, đây đã là quý thứ 6 liên tiếp Thép Việt Ý báo lỗ.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Thép Việt Ý cho biết do giá phôi đầu vào trên thị trường giảm mạnh, sức cầu trên thị trường yếu khiến nhà máy phôi luôn trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Sản lượng sản xuất trong quý III/2019 chỉ bằng 1/2 cùng kỳ 2018. Đây chính là nguyên nhân gây lỗ bởi các chi phí cố định.
Ngoài ra, tình trạng chung vượt cầu và sự biến động tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và giá điện tăng trong khi giá bán ra không tăng vì áp lực cạnh tranh. Điều này ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty.
Nguyên nhân cuối cùng được Thép Việt Ý đưa ra là do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cộng thêm những lo lắng về nhu cầu và hàng tồn kho khiến giá đầu ra của sản phẩm thép liên tục giảm trong quý III/2019.
Được cho là báo động nhất có lẽ là CTCP Thép DANA - Ý (HNX: DNY) đã báo lỗ tới 5 quý kể từ quý I/2018 với khoản lỗ lũy kế xấp xỉ bằng vốn điều lệ. Trong đó, quý III/2019, Thép DANA báo lỗ hơn 89 tỷ đồng. Phía Thép DANA cho biết, nguyên nhân chủ yếu do quý III/2019 Công ty vẫn tiếp tục tạm dừng sản xuất liên quan đến vấn đề môi trường. Tính đến quý III/2019, thời gian dừng hoạt động sản xuất của Công ty là 12 tháng. Doanh thu được ghi nhận trong quý III/2019 đến từ việc thanh lý và xuất trả một số vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn và một phần nguyên liệu để trang trải chi phí.
Tính đến cuối quý III/2019, lỗ lũy kế của Thép DANA đã lên tới hơn 262 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty chỉ đạt gần 270 tỷ đồng, số liệu trên Báo cáo thường niên 2018 của Công ty. Trên sàn HoSE, cổ phiếu DNY đang ở diện bị kiểm soát.
Bên cạnh các doanh nghiệp nổi bật trên, thì những ông lớn như Thép Nam Kim cũng kinh doanh chững lại, đến Hòa Phát còn phải nhờ đến "trứng trợ lực cho thép".
Đối với ngành thép, Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đánh giá trung lập đối với ngành Thép trong quý IV/2019 bởi nhu cầu về thép xây dựng chưa có sự khởi sắc khi thị trường bất động sản và hoạt động giải ngân hạ tầng chưa có dấu hiệu tiến triển. Bên cạnh đó, công suất thép xây dựng và tôn mạ đều đang dư thừa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về trung hạn, BSC kì vọng nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng lên khi giải ngân đầu tư công có những chuyển biến mới và thị trường bất động sản sôi động hơn vào năm 2021.
►Thị trường thép suy giảm, các ông lớn kinh doanh ra sao trong quý III/2019?