Bật đèn xanh cho tập đoàn kinh tế tư nhân: Làm thế nào cho đúng?
Kỳ vọng về tập đoàn kinh tế tư nhân là động lực mang lại một diện mạo mới cho nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, từ mong ước tới thực tế có thể là một khoảng cách còn rất xa.
To nhưng chưa lớn
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam liên tục ghi nhận những công ty hoạt động đa lĩnh vực, bề ngoài tương tự như mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân trên thế giới, dù tên gọi chính thức vẫn đang là Công ty Cổ phần hay Công ty Cổ phần - Tập đoàn. Không thể phủ nhận những đóng góp nhất định mà Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát hay Masan... và trong khi 97% doanh nghiệp trong khu vực tư nhân chỉ có quy mô vừa và nhỏ, vai trò dẫn dắt nền kinh tế theo lẽ thường đang nằm ở những doanh nghiệp nói trên.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia trao đổi với NCĐT, những doanh nghiệp kiểu này thường phát triển dựa trên tài nguyên (khoáng sản, đất đai, rừng) và nhận được ưu đãi nổi trội so với các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực. Mặt khác, khi những doanh nghiệp tạm gọi là tập đoàn tài chính, tập đoàn kinh tế của Việt Nam phần lớn đi từ lĩnh vực bất động sản và vẫn đang tập trung vào lĩnh vực này, vai trò động lực của nền kinh tế đang được thể hiện không mấy nổi bật. Chẳng hạn, Vingroup mặc dù có quy mô khá lớn tại Việt Nam nhưng Tiến sĩ Bùi Trinh thẳng thắn cho rằng vẫn chưa thể là động lực của nền kinh tế như những kỳ vọng hiện nay.
Trong khi đó, bất động sản luôn nằm trong những lĩnh vực thu hút nhiều nhất nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước gần chục năm qua. Đây cũng là lĩnh vực xuất hiện nhiều doanh nghiệp tỉ USD và tỉ phú nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh doanh bất động sản thu hút 297,4 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn FDI tháng 1.2017 và bằng khoảng 25% con số của cả năm 2016.
Hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản dù tạo nên sức lan tỏa nhất định trong lĩnh vực xây dựng và sản phẩm phụ trợ ngành xây dựng nhưng chưa thực sự có chất. Đáng nói hơn, không thể đặt kỳ vọng ngành bất động sản là động lực kích thích cho nền kinh tế tri thức vốn dựa vào chất xám và công nghệ để tối đa hóa giá trị sản phẩm. Nếu sự lớn mạnh của các doanh nghiệp dựa vào tài nguyên, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, nhìn nhận lạc quan hơn, trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận những đổi thay đáng ghi nhận mà các doanh nghiệp bất động sản lớn đã làm được ở nhiều vùng quê. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở mức độ đó, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh như mô hình các chaebol của Hàn Quốc. Một vài tập đoàn đã tham gia vào hệ thống bán lẻ và nông nghiệp nhưng những dấu ấn của họ trên thị trường ở hai lĩnh vực này vẫn còn rất khiêm tốn.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, ngoài nỗ lực từ bản thân những doanh nghiệp đã có tiềm lực này, phía cơ quan quản lý cần có những thay đổi tích cực, ưu đãi cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo… Tuy nhiên, đây phải là những thuận lợi từ việc điều chỉnh chính sách chung, đảm bảo công bằng với tất cả doanh nghiệp. Chúng ta không thể để những doanh nghiệp lớn lợi dụng vị thế trên thị trường để lạm dụng chính sách, bởi sau những hiện tượng này là tham nhũng, tiêu cực vô cùng khó kiểm soát.
Cần môi trường thật sự bình đẳng
Theo báo cáo Vietnam Report, tổng doanh thu năm 2015 của 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam mới đạt khoảng 7,23 tỉ USD, tương ứng 3,4% so với mức doanh thu 211,32 tỉ USD của 10 doanh nghiệp lớn nhất trong bảng xếp hạng Fortune 500 của Mỹ. Doanh nghiệp Top 500 của Việt Nam quá nhỏ khi so sánh với các doanh nghiệp lớn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thực ra vẫn được xếp vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chuẩn của Mỹ. Công ty tư nhân có doanh thu lớn nhất năm 2016 của Việt Nam là Vinamilk (2,08 tỉ USD) vẫn mới chỉ bằng 28,9% doanh thu của công ty xếp 2.000 thế giới là Hanwha Chemical của Hàn Quốc (7,2 tỉ USD).
Việt Nam đang được xếp vào thế hệ nước công nghiệp hóa thứ 6, song lại chưa tận dụng được lợi thế của người đi sau. Bức tranh doanh nghiệp tư nhân, kỳ vọng tập đoàn kinh tế tư nhân với vai trò là động lực nền kinh tế sẽ hoàn thiện hơn nếu Việt Nam có những doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn trong lĩnh vực có công nghiệp, chế tạo, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, chứ không phải chỉ là chân rết, “ăn theo” các doanh nghiệp FDI nhờ khai thác tài nguyên hay gia công tại các công đoạn có tỉ lệ giá trị gia tăng thấp. Vậy làm thế nào để điều này trở thành sự thật?
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Hội Kinh tế Việt Nam, khẳng định với NCĐT, điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở chính sách mới, tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, cùng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần, đóng góp phần quan trọng nhất trong phát triển. Làm trái lại, nền kinh tế nước ta dễ bị rơi vào tình trạng “rỗng ruột” rất đáng lo ngại, như đã xảy ra khi bán, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, hay các hoạt động M&A xóa sổ nhiều thương hiệu, sản phẩm Việt trong nhiều năm gần đây.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga, Đại học Kinh tế Luật TP.HCM, điều quan trọng ở đây là Chính phủ tạo môi trường cho đầu tư khu vực tư nhân sinh lợi. Môi trường này giải phóng những động lực cạnh tranh để tạo ra cơ chế khuyến khích đầu tư mạnh mẽ và giải phóng động lực của khu vực tư nhân. Hiện nay, đầu tư công của Việt Nam chiếm khoảng 30% GDP. Theo lý thuyết và thực tế để tăng trưởng 7% thì đầu tư nhà nước nên khoảng từ 5-7% GDP. Như vậy, Nhà nươc đã đầu tư “thừa” khoảng 23% GDP. Nếu khoản đầu tư này chuyển sang khu vực tư nhân, sẽ tạo thêm tăng trưởng ít nhất đến 8 điểm phần trăm tăng trưởng. Và nền kinh tế đạt tốc độ bình quân 12-14%/năm.
“Đây là con số mà Trung Quốc đạt được trong những năm phát triển nóng. Lúc này chúng ta sẽ có nhiều tỉ phú trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, điện tử, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, sẽ mất ít nhất một thế hệ nữa may ra chúng ta mới có thể thấy được viễn cảnh sáng sủa như trên’’, vị chuyên gia dự đoán.
Hoàng Hạnh