Bắt đầu ép giảm chênh lệch giá vàng
Trong tuần qua, thị trường vàng xoay quanh câu chuyện chuyển đổi hệ thống kinh doanh nên không mấy ai chú ý đến những biến động đáng kể về giá cả của vàng. Theo đó, một mặt giá vàng đã giảm mạnh xuống gần 45 triệu theo biến động giá thế giới; mặt khác chênh lệch giá vàng trong nước đã được rút xuống mức 3 triệu đồng/lượng so với trên 5 triệu của cuối tháng 12/2012.
Dường như, việc đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá thế giới đang dần được diến biến một cách tự nhiên sau nhưng chấn chỉnh mạnh tay trong quản lý thị trường vàng.
Giải thích điều này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trước hết là tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động. Khi hệ thống kinh doanh đi vào hoạt động tạo sự khác biệt về điều kiện kinh và chất lượng đã khiến người dân yên tâm hơn khi bán vàng miếng trên thị trường được cấp phép.
Thực tế cho thấy, ngoài diễn biến ép giá vàng phí SJC của một số cửa hàng nhỏ, giao dịch ngầm thì hầu hết trên mạng mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn. Đặc biệt, với hệ thống kinh doanh vàng miếng được siết lại, các hoạt động đầu cơ đã được hạn chế, nguồn cung găm giữ trước đây đang "giãn" ra. Trong đó, các tổ chức tín dụng tham gia kinh doanh, giới hạn trạng thái rất thấp (2% vốn tự có) là một rào cản hạn chế đầu cơ.
Những quy định này cộng với sự lao dốc liên tục của giá thế giới mấy ngày qua và nhu cầu vàng trong nước ở mức thấp khiến cho rủi ro trong găm giữ được đẩy lên mức cảnh báo cao. Điều này, khiến các đại lý, đơn vị kinh doanh hướng tới việc cạnh tranh thu hút khách giao dịch hơn là đầu cơ kiếm lợi nhất là khi người dân đã rất cảnh giác và chờ đợi việc giảm chênh lệch giá vàng như yêu cầu của Chính phủ mới thực hiện việc mua vàng.
Tất cả những diễn biến trên đã tạo ra một quãng thời gian đặc biệt về giá vàng so với trước đây khi giá liên tục giảm mạnh, độ vênh thu hẹp nhanh chóng, trong khi giá vàng thế giới không nhiều biến động.
Liệu đây có thể xem là một điểm khởi đầu cho giai đoạn thoái lui rồi chấm dứt chênh lệch giá vàng phí lý như thời gian qua?
Nói về vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị kinh doanh vàng cho rằng, việc giảm chênh lệch giá vàng là điều đã nhìn thấy từ những tín hiệu chính sách và diễn biến thị trường. Ngoài những biện pháp đã thực hiện như chấm dứt huy động và cho vay vàng của các ngân hàng, thiết lập hệ thống kinh doanh vàng mới thì những tín hiệu tiếp theo về việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tham gia thị trường vàng với tư cách là người kiến tạo và mua, bán cuối cùng nhằm ổn định thị trường vàng đã phát đi những định hướng, tạo sức ép cho việc giảm chênh lệch giá diễn biến một cách rất tự nhiên.
Trong hoàn cảnh như thế, yêu cầu của Chính phủ về giá vàng trong nước bám sát giá thế giới không hẳn là một điều đột ngột mà có thể đã có dự đoán và chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển biến mới của vàng. Với chuyển biến trong thời gian qua của thị trường vàng thị việc này có thể sẽ không chờ đợi lâu và yêu cầu của Chính phủ và tín hiệu thúc đẩy lộ trình này theo một cơ chế thị trường hơn là các biện pháp hành chính.
Từ câu chuyện của vàng hiện nay, nhớ lại thời điểm cuối 2011 và cả năm 2012 của chính sách ổn định tỷ giá. Suốt một thời gian dài đã có rất nhiều sức ép, những nghi ngờ về diễn biến tăng tỷ giá nhưng một chính sách kiên trì và dài hạn đã mang lại một thị trường ngoại hối ổn đinh theo đúng cam kết. Liệu có thể chờ đợi điều này với vàng?
Trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc một đơn vị kinh doanh vàng lớn ở miền Bắc cho biết, có một điều lạ là gần đây nhu cầu mua bán vàng thật sự của người dân không còn lớn như trước. Dù chứng khoán, BĐS không sáng sủa nhưng vàng không còn hấp dẫn như trước đối với người dân tại thời điểm này.
Ông này lấy ví dụ, trong hệ thống DN ông, cuối 2011 đầu 2012 mỗi ngày bán lẻ cho dân cư ít nhất từ 1.500 - 2.000 lượng, cộng với nhu cầu của ngân hàng lên đến 4.000 lượng. Nhưng cuối năm 2012, lượng bán lẻ cho người dân toàn hệ thống mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ 700 - 800 lượng. Trong khi đó, 2012, giá trên thị trường quốc tế tăng 7%, trong nước tăng 9%, trong khi năm 2011 giá tăng 24%. Như vậy nếu đầu tư từ đầu năm để đến cuối năm thì chắc đâu hơn gửi tiết kiệm, mà lại ăn không ngon ngủ không yên.
Trong lịch sử 12 năm tăng giá thì 2012 tăng thấp nhất khoảng 7% thôi. Thị trường quốc tế chu kỳ đó tăng thấp là 17%, cao nhất là 24%, còn ở Việt Nam cá biệt có năm tới gần 30%, nhưng riêng 2012 dưới 10% - thấp hơn lãi tiết kiệm. Thực tế này, cộng với rủi ro từ giá vàng chênh lệch cao khiến người dân rất cảnh giác. Trong năm 2013, vàng vẫn là công cụ hữu hiệu để phòng chống rủi ro trên thế giới nên vàng vẫn chưa hết chu kỳ tăng giá nhưng rất khó hy vọng có nhữn cú tăng "sốc".
Đặc biệt, một tác động lớn và chủ yếu gây vênh giá cao thời gian qua là lực cầu từ các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái cũng đã giảm bớt, việc thu hẹp chênh lệch càng có thêm cơ sở.
Và khi kinh doanh vàng miếng được tổ chức lại, quản lý và giám sát với loại hình kinh doanh có điều kiện, thị trường nguội đi, nguội đi thì không còn quá ngon ăn, quá dễ dàng. Đó là một thực tế khiến vàng nguội dần và theo đó biểu hiện trực tiếp của nó là chênh lệch giá sẽ giảm một cách tự nhiên.