Bất chấp định giá cao, chứng khoán Việt vẫn đắt hàng
Lần đầu tiên trong 2 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có giá đắt hơn các thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á, và nhiều khả năng sẽ còn đắt hơn nữa trong năm tới.
"Vẫn có dư địa để tăng trưởng", ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết. "Chúng tôi đang dự kiến mức lợi nhuận (earnings) sẽ tăng trưởng ròng 19% trong năm tới", do nền kinh tế đang phát triển còn lạm phát vẫn ổn định, ông Scriven nói thêm.
Chỉ số VN-Index đang được giao dịch ở mức 15,9 lần so với lợi nhuận, cao hơn so với mức 14,7 lần của chỉ số MSCI South East Asia Index. Nhờ mức tăng 15% trong năm nay mà VN-Index đã vươn lên so với các chỉ số tiêu chuẩn khác trong khu vực.
So sánh chỉ số VN-Index của Việt Nam so với chỉ số MSCI của Đông Nam Á. Nguồn: Bloomberg |
Mức tăng mạnh trong năm nay "nhờ kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định, trong khi các thị trường khác chứng kiến những biến đổi chính trị và tình hình kinh tế khó khăn", Attila Vajda, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Project Asia Research & Consulting tại TPHCM cho biết.
Các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2016 khi đóng góp của nền công nghiệp sản xuất đã trở nên khá quan trọng trong những năm qua. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh đã góp phần đẩy VN-Index lên cao nhất 8 năm, ở mức 688,89 điểm hôm 19/10.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm tới, đây sẽ là mức tăng cao nhất kể từ năm 2007. Lợi nhuận của các công ty trên VN-Index dự kiến sẽ tăng 23% trong vòng 12 tháng tới, theo dữ liệu của Bloomberg.
Tuy vậy, thị trường này vẫn đang gặp trở ngại về "rào cản thanh khoản", theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành quỹ đầu tư VinaCapital. Ông cho rằng chính phủ cần nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng để tăng tính thanh khoản của thị trường. Năm ngoái, Việt Nam đã cho nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%, tuy nhiên vẫn giới hạn tỷ lệ này ở mức 30% đối với các ngân hàng.
Giá trị giao dịch trung bình hằng ngày tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) là khoảng 109 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 768 triệu USD của sàn SGX tại Singapore, theo dữ liệu của Bloomberg.
Việt Nam là nước hưởng nhiều lợi ích nhất nếu Hiệp định TPP có hiệu lực, nhưng cũng có thể sẽ mất nhiều cơ hội khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ý muốn từ bỏ hiệp định này. "Do kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi xuất khẩu, và Mỹ lại là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, chúng ta cần phải chờ xem ông Trump sắp tới sẽ làm gì với các rào cản thương mại", Vajda cho biết.
"Đây là thời điểm khá tốt để đầu tư vào Việt Nam khi chính phủ đang tiến hành thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn", ông Andy Ho nói.
Nhà nước đang có kế hoạch thoái vốn khỏi Sabeco, Habeco vào năm tới nhằm "khích lệ" giới đầu tư, theo ông Andy. "Đó đều là những công ty tốt mà chính phủ cho phép các công ty nước ngoài rót thêm vốn".
Ông Vajda thì cho rằng, bên cạnh việc thoái vốn, chính phủ cũng đẩy những doanh nghiệp nhà nước lớn khác lên niêm yết trên sàn chứng khoán, khiến thị trường chứng khoán trở nên "hấp dẫn hơn".
"Một số doanh nghiệp mới niêm yết đủ kích thích để chỉ số chứng khoán tăng trưởng vừa phải, nếu không có những cú "sốc" thương mại từ chính sách bảo hộ của Mỹ", ông Vajda nói.
An Phong
Nguồn Bloomberg