Ảnh: VH.

 
Vũ Hoài Thứ Tư | 25/03/2020 13:28

Bất chấp dịch covid-19, các đại gia trên sàn vẫn lạc quan với kế hoạch kinh doanh 2020

Bất chấp dịch bệnh, nhiều "đại gia" vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực trong kết quả kinh doanh...

Có thể nói, dịch bệnh đang là mối đe dọa lớn đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bên cạnh những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như Hàng không, Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn,...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều "đại gia" vẫn đặt mục tiêu lãi lớn trong năm 2020.

Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Mạnh tay như "vua cá một thời"

Phải kể đến đầu tiên là vua cá tra một thời  CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) với kế hoạch lãi khủng trong năm 2020.

Mặc dù năm 2019, HVG lỗ lũy kế hơn 1.100 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn rất tự tin "hô biến khoản lỗ" thành khoản lãi trăm tỷ.

Cụ thể, trong Báo cáo thường niên năm 2019,  Công ty cho biết đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Qua đó, doanh thu thuần sụt giảm đáng kể, Công ty báo lỗ hơn 1,000 tỷ đồng trong năm 2019 này. Tuy vậy, đến năm 2020, Công ty vẫn đặt mục tiêu lãi sau thuế 790 tỷ đồng, thời điểm này dịch bệnh vẫn chưa hề bùng phát.

Mục tiêu của HVG sau điều chỉnh. Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2020.
Mục tiêu của HVG sau điều chỉnh. Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2020.

Mới đây, trong Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2020 được công bố hồi tháng 03/2020, HVG đã điều chỉnh mục tiêu lãi sau thuế xuống còn 350 tỷ đồng, giảm hơn 1/2 so với mục tiêu ban đầu.

Được biết, trong quá khứ, Hùng Vương  cũng thường xuyên đặt kế hoạch về các chỉ tiêu kinh doanh ở mức cao, tuy nhiên hầu như đều không thực hiện được. Đến năm 2020 này, giới tài chính kỳ vọng sự hợp tác với Thaco sẽ giúp "vua cá một thời" Hùng Vương bước sang trang mới.

Lạc quan như "ông trùm bán lẻ"

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vẫn lạc quan với mục tiêu lãi ròng hơn 4.800 tỷ đồng trong năm 2020 này.

 

Cụ thể, ngày 13/12 (thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát), Hội đồng quản trị MWG đã thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2020. Theo đó, MWG đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là hơn 122.000 tỷ đồng và hơn 4.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 18% và 26% so kết quả thực hiện năm 2019.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng MWG vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.541 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và lợi nhuận sau thuế đạt 845 tỷ đồng (tăng trưởng 16%) so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2020, ngành hàng máy tính xách tay ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch COVID-19, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của MWG.

Trong mùa đại dịch COVID-19 này, MWG cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh, bao gồm cả kênh online để gia tăng doanh thu. Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu các chi phí nhằm ứng phó với dịch cho tới khi nó được kiểm soát.

Tích cực như "đại gia công nghệ"

Vào ngày 12/02, HĐQT của CTCP FPT (HoSE: FPT) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Theo đó, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 32.450 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 5.510 tỷ đồng trong năm 2020, tức tăng lần lượt 17% và 18% so với thực hiện năm 2019.

Ngoài ra, ông lớn công nghệ này còn phê duyệt tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Phần mềm FPT từ 2.400 tỷ đồng (hiện tại) lên 2.800 tỷ đồng, đồng thời nâng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Giáo dục FPT từ mức 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020 của FPT. Nguồn: FPT.
Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020 của FPT. Nguồn: FPT.

Kết thúc 2 tháng đầu năm 2020, FPT ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 698 tỷ đồng, tăng 22,4%, trong đó khối công nghệ tăng trưởng 36,9% so với cùng kỳ 2019. Với chiến lược chuyển đổi số, năm 2020, FPT kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao của năm 2019, trong đó khối công nghệ là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn.

Vậy còn "nữ hoàng trang sức" thì sao?

Theo đánh giá của HĐQT và Ban điều hành CTCP Vàng bạc, Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), năm 2020 sẽ là một năm thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam khi tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp với ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, các vấn đề kinh tế tiềm tàng tích lũy trong nhiều năm qua chưa được giải quyết; đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19.

Trong năm 2020 này, PNJ cho biết sẽ tiếp tục mở thêm 31 cửa hàng, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc cho Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh Trang sức PNJ. Đồng thời, đầu tư một số dự án phát triển ERP và Digital Transformation.

Nguồn: PNJ.
Nguồn: PNJ.

Về kế hoạch kinh doanh, PNJ đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 lần lượt là 19.000 tỷ đồng và 1.349 tỷ đồng; tăng lần lượt 12% và 13% so với kết quả năm 2019.

Đối với từng nhóm ngành nghề, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC)  nhận định rằng cho đến khi nhận thấy các dấu hiệu khôi phục hoạt động rõ ràng hơn, nhà đầu tư ẫn thận trọng đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, thực phẩm đồ uống, vận tải, dệt may, dầu khí và giáo dục.

* Có thể bạn quan tâm 

►Nhu cầu làm việc tại nhà tăng cao, ngành hàng laptop của Thế Giới Di Động tăng trưởng mạnh

►REE đặt mục tiêu đạt giá trị vốn hóa 1 tỷ USD