Bảo vệ tỉ giá trong biến động
Việt Nam không nằm ngoài làn sóng cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế trên toàn cầu, nhưng quan trọng hơn là bảo vệ tỉ giá như thế nào trước những biến động ngày càng khó lường.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tham chiếu cho vay qua đêm, về mức 1,75-2%/năm. Đây là đợt giảm lãi suất lần thứ 2 của FED trong năm nay và không nằm ngoài dự đoán của thị trường.
Tuy liên tiếp cắt giảm lãi suất trong thời gian ngắn, nhưng theo các nhà quan sát thì lần cắt giảm này không quyết liệt so với trước, thêm nữa mức độ đồng thuận không cao (3/10 thành viên FED trong cuộc họp tháng 9 bỏ phiếu chống cắt giảm lãi suất). Mặc dù vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm trong thời gian tới, nhưng lãnh đạo của FED nghiêng về kịch bản giữ nguyên lãi suất đến năm 2020.
Cần nhắc lại là mới tháng trước, FED lần đầu tiên giảm lãi suất cho vay liên bang (FED Funds Rate) trong hơn một thập niên về mức 2,5% với lý do kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước tiếp tục leo thang, cùng tỉ lệ lạm phát đang ở mức quá thấp. Lãi suất liên bang ảnh hưởng đến lãi suất các khoản vay ngắn hạn tại Mỹ.
Nhưng không chỉ có FED lập các kỷ lục mới trên thị trường tài chính quốc tế. “Đối thủ thương mại” trực tiếp là Trung Quốc cũng liên tục cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (4 lần trong năm 2018 và 3 lần từ đầu năm 2019 đến nay), đi kèm theo nhiều động thái giúp giảm giá đồng Nhân dân tệ.
Làn sóng nới lỏng tiền tệ đang lan rộng trên toàn cầu. Báo cáo Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 8 của Công ty Chứng khoán SSI dẫn lại tính toán của Central Bank News, cho biết có đến 23 ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành trong tháng 8. Trong khi đó, mức lãi suất danh nghĩa trung bình của 95 ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm 38 điểm cơ bản kể từ đầu năm đến nay. Đặc biệt hơn, trong năm 2018, có quốc gia tăng giảm lãi suất khác nhau, nhưng đến năm 2019 thì hầu như đi cùng chiều, với 93 đợt điều chỉnh giảm và 9 đợt điều chỉnh tăng.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây thông báo giảm đồng loạt 25 điểm phần trăm các lãi suất điều hành kể từ ngày 16.9. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tín phiếu.
Lãi suất được giảm lần này là lãi suất trong giao dịch giữa cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng với các ngân hàng thương mại, như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, mua kỳ hạn giấy tờ có giá và tín phiếu.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng thông điệp chủ yếu là giảm chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng. Theo BVSC, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu điều hành lãi suất tiền tệ thông qua nhiều công cụ khác chứ không tập trung vào lãi suất điều hành như nhiều nước khác, nên tác động của việc điều chỉnh lãi suất là không quá lớn. “Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường. Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và lượng cung tiền trong thời gian tới”, báo cáo của BVSC nhận định.
Bên cạnh mục tiêu hạ lãi suất cho vay và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, một diễn biến khác thường ở Việt Nam cần nhắc đến là tiền Việt vẫn giữ giá trong bối cảnh nhiều đồng tiền khác trên thế giới đều biến động mạnh, có tăng hoặc giảm giá so với đồng USD. Thống kê của SSI cho biết, từ đầu năm đến nay, tiền đồng có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến tháng 5, nhưng tỉ giá mua vào ở các ngân hàng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm, ở mức 23.360 VND/USD, rồi nhanh chóng hạ nhiệt.Thậm chí, vào tháng 8 vừa qua, đồng Nhân dân tệ liên tục giảm giá (giảm gần 3% trong tháng 8), đột ngột vượt qua ngưỡng 7.0 so với đồng USD thì tiền đồng vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm.
“VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỉ giá ổn định so với USD”, báo cáo của SSI nhận định. Lý do được đưa ra là vì Ngân hàng Nhà nước giữ tỉ giá trung tâm cao hơn tỉ giá mua vào của các ngân hàng thương mại, đồng thời, nhờ thặng dư thương mại lớn và dòng vốn đầu tư tiếp tục đổ về. Tỉ giá trong thời gian tới có thể ổn định nhờ dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 70 tỉ USD cùng một số khoản khác.
Tiền đồng ổn định về giá trị trong bối cảnh các đồng tiền khác biến động mạnh mẽ dù là một điểm tích cực, nhưng cũng có nhiều chuyên gia lo ngại vì dòng thương mại quốc tế phụ thuộc nhiều vào giá trị các đồng tiền. Một đồng tiền mạnh tương đối sẽ gây trở ngại cho xuất khẩu, đặc biệt đáng quan ngại hơn khi công xưởng thế giới liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ, dự báo còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Mới đây, trong hội thảo về thương chiến Mỹ - Trung, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), cho rằng đến thời điểm này, biến động tỉ giá giữa đồng USD và nhân dân tệ chưa có tác động lớn đến tỉ giá VND/USD. Tuy nhiên, tỉ giá là vấn đề hiện được đặc biệt quan tâm trong thương chiến Mỹ - Trung.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có giá rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc. “Nếu xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tuyển nhận định.