“Bảo vệ” nhà thầu nội trong Luật Đấu thầu sửa đổi
Trong dự thảo luật sửa đổi lần này Bộ trưởng tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể, yêu cầu nhà thầu nước ngoài liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam. Dự thảo luật đưa ra quy định yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam.
Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện, và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.
Về ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước, đối với gói thầu đấu thầu quốc tế, nhà thầu và hàng hóa trong nước được hưởng ưu đãi trong các trường hợp sau: (a) nhà thầu trong nước khi tham dự thầu quốc tế gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp; (b) nhà thầu liên danh khi có thành viên trong liên danh là nhà thầu trong nước đảm nhận công việc có giá trị trên 50% đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp; và (c) nhà thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên.
Đồng thời, nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ hoặc nhà thầu có trên 50% số lượng lao động là thương binh hoặc người tàn tật thì được ưu tiên trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Mặt khác, đấu thầu trong nước được áp dụng đối với trường hợp: (a) có nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu của gói thầu (trừ trường hợp gói thầu ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ); (b) hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được; và (c) hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nhưng thông dụng và được nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam.
Nguồn Vneconomy