Thứ Bảy | 19/07/2014 08:46

Bão Thần Sấm cấp 14 đổ bộ vào Quảng Ninh

7 giờ sáng, tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), những thiệt hại đầu tiên do cơn bão Rammasun gây ra có thể thấy rõ trên đường phố.
Từ đêm 18-7, các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn đã có gió mạnh dần lên cấp 6-9, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14. Các tỉnh Bắc bộ có mưa to đến rất to.

Đổi hướng chếch lên phía bắc

Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) đêm 18-7 cho biết diễn biến mới nhất của bão số 2 (Rammasun - Thần Sấm) khác so với trước đó, thay vì trọng tâm bão vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh thì hướng đi của bão hơi lệch lên phía bắc.

Theo NCHMF, đêm 18-7 bão số 2 còn cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 240km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (từ 167-183 km/giờ), giật cấp 16-17. Bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào khu vực phía bắc vịnh Bắc bộ.

Tới hơn 23g đêm 18-7, cuộc họp trực tuyến do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh với các ban ngành, các huyện của tỉnh nhằm chuẩn bị chống cơn bão.

Sơ tán hơn 213.000 người

Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc NCHMF - cho biết sau khi qua bán đảo Lôi Châu, bão chỉ giảm một cấp từ 15 xuống 14, cách Móng Cái 200km về phía đông nam. Mất 10-12 tiếng sau, tức khoảng 8g-10g sáng 19-7 bão sẽ đổ bộ vào Móng Cái. Khi vào đất liền gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Mặc dù cấp độ có giảm nhưng phạm vi gió không thay đổi.

Vùng bán kính có gió cấp 10 sẽ bao trọn toàn bộ tỉnh Quảng Ninh, trong đó mắt bão với kích thước lên tới 50km sẽ bao trọn cả TP Móng Cái. Theo ông Hải, vẫn chưa xác định được bão sẽ lệch về phía bắc hay phía nam của Móng Cái. Nếu về phía bắc gió chỉ giật lên cấp 11-12, nhưng nếu lệch về phía nam sẽ xuất hiện những rãnh gió khiến bão giật lên cấp 13-14.

Ngoài ra các địa phương khác như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định gió cấp 8-9, khu vực đồng bằng trung du Bắc bộ gió giật cấp 6-7. Ông Hải cảnh báo cơn bão mạnh này sẽ gây ra mưa lớn. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ mưa từ 400-500mm, khả năng gây sạt lở, lũ quét lớn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đọc - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết đến 18g ngày 18-7 đã kêu gọi và xác định được toàn bộ số tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền du lịch, tàu vận tải trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long về neo đậu tại các điểm tránh trú bão an toàn. Tỉnh cũng đã tổ chức đưa 1.360 khách du lịch tại huyện Cô Tô và đảo Quan Lạn, Minh Châu về đất liền an toàn. Còn 232 khách du lịch đang ở trên các đảo, trong đó có bảy khách nước ngoài.

Trong khi đó, lãnh đạo thành phố Móng Cái cho hay đến tối 18-7 đã kêu gọi được trên 1.000 tàu thuyền vào bờ, hiện không còn người dân nào trên lồng bè, tàu thuyền, địa phương cũng đã ra lệnh cấm tàu thuyền trên các sông...

Trước đó chiều tối 18-7, khi PV Tuổi Trẻ có mặt tại huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), một trong những địa bàn dự báo chịu ảnh hưởng nặng của Thần Sấm, người dân địa phương vẫn đang tiếp tục gia cố nhà cửa, các phương tiện tàu thuyền hối hả thu hoạch sớm tôm để chạy bão.

Ông Vũ Xuân Khải, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Đầm Hà, cho biết đến hôm qua 341 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn huyện đã về nơi trú ẩn. Huyện cũng đã sơ tán được 52 người trên tổng số 64 người dân nuôi trồng thủy sản trên lồng bè về đất liền. Số lượng 12 người dân ở lại trông coi lồng bè, hiện nay đã chủ động phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sơ tán vào khu vực an toàn trước khi bão đổ bộ.

Tại đảo Cát Hải (Hải Phòng), người dân tại các vùng trọng yếu đã tự giác di chuyển về nhà những người thân ở các điểm an toàn. Ông Nguyễn Hoàng Minh - trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải - cho biết: “Tính đến 16g cùng ngày, huyện đã di chuyển được gần 700 người. Hầu hết người dân đều chấp hành tốt”.

Tại các xã Hoàng Châu, Văn Phong, Nghĩa Lộ, Gia Lộc... là những điểm tiếp giáp với biển, người dân đã chủ động đưa tàu thuyền neo đậu vào nơi an toàn từ sáng. Nhà cửa cũng đã được khẩn trương chằng buộc, các mái nhà được gia cố chắc chắn bằng những bao cát. Ngoài ra, còn đặt nhiều dãy bao tải cát chèn trước cổng để không cho nước tràn vào nếu triều cường dâng.

Theo văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đến 18g ngày 18-7, các tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã thông báo cho 75.086 tàu thuyền, lồng bè, chòi canh/249.081 người biết diễn biến của bão để trú tránh. Trong đó có 31.727 tàu/116.175 người đã vào neo đậu tại bến an toàn, 11.763 lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/15.789 người từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa thực hiện sơ tán.

Đến chiều muộn 18-7, các địa phương đã sơ tán 1.990 hộ gia đình với 213.917 người khỏi khu vực có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Số còn lại các địa phương cùng lực lượng chức năng, quân đội tiếp tục sơ tán, cưỡng chế trong đêm 18-7.

Nhiều ngư dân không chịu vào bờ tránh bão

Đến 22g đêm 18-7, tại cảng Cái Rồng (Quảng Ninh), hàng chục người dân vẫn cố bám trụ trên các tàu thuyền, nhà bè và cả những thuyền tạm xung quanh khu vực cảng Cái Rồng không chịu lên bờ tránh bão theo quy định.

Mặc dù ban quản lý cảng và bộ đội biên phòng thị trấn Vân Đồn đã thông báo, kêu gọi trên loa đài từ rất sớm, ra lệnh cấm trú nghỉ đêm trên thuyền nhưng những ngư dân này chỉ di dời vợ con lên bờ trú bão, đa số những người ở lại trên thuyền đều là đàn ông.

Khi được hỏi lý do, bà Nguyễn Thị Hằng, ngư dân tại Vân Đồn, cho biết: “Tất cả tài sản sinh sống của chúng tôi đều ở trên thuyền cả, bây giờ mà cả nhà bỏ lên bờ hết thì liệu còn giữ được gì. Chúng tôi cũng biết rằng nguy hiểm nhưng không còn cách nào, nhất định phải có một người trên thuyền để tránh va đập và mất cá”.

Ông Bùi Văn Cẩn - phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế bắt buộc để đảm bảo an toàn”.

Xung quanh khu vực đầm cá cạnh cảng Cái Rồng, các vùng trũng, thấp, nguy hiểm vẫn có các ngư dân cố gắng bám trụ hi vọng giữ được tài sản trên thuyền.

Bão đổ bộ Hải Nam (Trung Quốc), 1 người chết

Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc cho biết bão Rammasun đã đổ bộ vào thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam lúc 15g30 ngày 18-7 (14g30 giờ Việt Nam), với sức gió lên đến 216 km/giờ.

Nhật Báo Trung Quốc cho biết bão Rammasun đã gây mưa lớn và gió rất mạnh. Gió mạnh đã quật ngã cây cối và trụ điện cũng như thổi bay một số căn nhà nằm trên đường đi của cơn bão. Thông tin ban đầu cho biết đã có một người thiệt mạng do nhà sập.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát cảnh gió cực mạnh gây ra những cột sóng khổng lồ. Thông tin cho biết đã xuất hiện cột sóng cao hơn 7m ở ven biển tỉnh Hải Nam và Quảng Đông. Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc cho biết đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào hai tỉnh này trong vòng 10 năm qua. Đã có lở đất xảy ra ở các khu vực miền núi tỉnh Quảng Đông nhưng chưa có thông tin cụ thể về thương vong. Bão Rammasun còn gây mưa rất lớn ở đặc khu Hong Kong.

Trước đó, khoảng 422.400 người ở các khu vực tâm bão đi qua các tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc đã được sơ tán. Bão Rammasun sau khi càn quét Philippines từ ngày 15-7 đã tàn phá khoảng 26.000 ngôi nhà ở Philippines, làm 54 người thiệt mạng.

Nguồn Tuổi Trẻ


Sự kiện