Thứ Năm | 15/05/2014 10:28

Báo Nga: TPP - “cuộc chơi” làm lung lay Trung Quốc

Vòng tham vấn tiếp theo về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được tổ chức tại TPHCM trong tuần này.
Theo Tiếng nói nước Nga, đây là cuộc họp đầu tiên của đại diện 12 quốc gia thành viên tiềm năng diễn ra sau chuyến công du châu Á của ông Obama. Chuyến đi có một chủ đề hàng đầu là xây dựng khu vực thương mại tự do mới.

Ý tưởng về TPP xuất hiện ban đầu không có sự tham gia của Mỹ, mà được các đại diện của Singapore, Brunei, New Zealand và Chile đưa ra năm 2005. Chỉ sau đấy bốn năm, Washington mới gia nhập các cuộc đàm phán, khi họ nhận thấy liên kết mới có thể là công cụ củng cố vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương, làm lung lay các nỗ lực của Trung Quốc.

Mặc dù mục tiêu xây dựng TPP trở thành trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, Washington chưa thể tự hào về thành tựu đáng kể nào. Chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia gần đây của Tổng thống Mỹ cũng không làm cho tình hình thêm sáng sủa.

Ở Kuala Lumpur, ông Obama được chào đón bởi đoàn biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ với khẩu hiệu phản đối Philippines gia nhập TPP.

Ngay cả Tokyo vốn quan tâm tới sự ủng hộ của đối tác chiến lược trong bối cảnh những bất đồng ngày càng tăng với Bắc Kinh, cũng ra sức mặc cả từng điểm mục của thỏa thuận.
Nguyên nhân chủ yếu ở đây là sự lo ngại của dư luận Nhật Bản trước tình hình kinh tế tiêu cực, nếu Nhật Bản gia nhập dự án được Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy. Thăm dò ý kiến của hãng truyền hình NHK cho thấy, hiện chưa tới một phần ba người dân Nhật Bản ủng hộ nước này tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

Chính phủ ông Abe không thể không cân nhắc ý kiến ​​của các nhà sản xuất nông nghiệp Nhật Bản, những người gay gắt phản đối việc mở cửa thị trường cho hàng nhập khẩu. Ngành nông nghiệp Nhật Bản hiện có doanh thu khoảng 7,1 ngàn tỷ yên, sau khi TPP đi vào hoạt động con số này có thể giảm mất 3 nghìn tỷ. Hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ lấn át các sản phẩm nông nghiệp trong nước, dẫn đến suy giảm sản xuất nội địa.

Các nhà đàm phán Mỹ, trong đó có những người đang có mặt tại TPHCM lúc này, đặc biệt tích cực bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất của họ.

Washington hiểu rằng, để Mỹ nắm giữ vị thế trọng tài uy tín trong khu vực, sức mạnh kinh tế phải bổ sung bằng cấu phần quân sự trong "sự trở lại châu Á của Mỹ".

Tuy nhiên như chúng ta thấy, không phải tất cả đều hài lòng với dự án hội nhập châu Á dưới sự chỉ đạo của Mỹ, người đứng đầu Trung tâm Nhật Bản Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Valery Kistanov cho biết.

"Mục đích của cấu trúc này là tạo dựng một lĩnh vực hoạt động tự do, chủ yếu cho các tập đoàn của Mỹ. Ví dụ, có kế hoạch đưa hàng rào thuế quan về con số "không", tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự chuyển động của vốn và lao động. Một yếu tố quan trọng trong chiến lược này là không cho phép Trung Quốc tham gia TPP. Trên thực tế ngay từ đầu, Washington hy vọng thiết lập một cấu trúc kiềm chế Trung Quốc về kinh tế", ông Valery Kistanov nói.

Mặc dù nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương nhìn nhận sự tăng trưởng của Trung Quốc như một mối đe dọa, nhưng họ không khỏi hoài nghi về khả năng củ Hoa Kỳ như nhà "tập hợp" các nền kinh tế châu Á.

Trước hết, các thành viên tiềm năng của TPP tính toán một cách thực dụng những thiệt hại kinh tế không tránh khỏi trước dòng chảy tương lai của hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Thứ hai, liên minh với Mỹ sẽ làm tổn thất quan hệ với Trung Quốc, nước trở thành đối tác thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực.

Trung Quốc cũng không chịu để phí thời gian. Các nhà quan sát đã ghi nhận tiến bộ trong tiến trình xây dựng vùng thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tại các cuộc đàm phán hồi tháng Ba, Bắc Kinh và Seoul đã thống nhất bãi bỏ thuế quan đối với 90% các mặt hàng. Không được phép gia nhập TPP, chúng tôi sẽ phát triển các dự án hội nhập riêng, rồi xem ai sẽ là người thành công, ở Bắc Kinh người ta lập luận như vậy.

Nguồn BizLive


Sự kiện