Một số lý do khiến bảo hiểm xanh chưa thể phát triển ở Việt Nam như khung pháp lý và các quy định cho bảo hiểm xanh nói chung. Ảnh: TL

 
Viết Nguyên Thứ Ba | 04/04/2023 08:00

Bảo hiểm xanh chờ tỏa sáng

Để đạt tới tăng trưởng xanh thì ở Việt Nam, mới chỉ một số ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.

Dù thế giới đã dành chú ý đến bảo hiểm xanh như một giải pháp quan trọng trong nhóm tài chính xanh để đạt tới tăng trưởng xanh thì ở Việt Nam, mới chỉ một số ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.

Chubb (Canada), AIG (Mỹ), Fubon (Đài Loan), Tokio Marine (Nhật) cùng các công ty Việt Nam như BIC... nằm trong số ít doanh nghiệp triển khai bảo hiểm xanh ở Việt Nam. Các công ty này đã tham gia thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam từ khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Dù vậy, theo bà Nguyễn Đoàn Châu Trinh, thuộc Khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.HCM, với mảng bảo hiểm xanh, các doanh nghiệp chỉ mới dừng ở loại hình bảo hiểm trách nhiệm môi trường.

Sản phẩm đặc thù

Bảo hiểm xanh, theo nghĩa rộng hơn, như UNEP nêu ra gồm cả những chương trình liên quan đến quản lý rủi ro môi trường và khả năng phục hồi, cũng như các sản phẩm sáng tạo, bảo vệ các giải pháp carbon thấp. Theo định nghĩa này, tất cả những sản phẩm bảo hiểm giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng thân thiện với môi trường đều là bảo hiểm xanh.

Đó là lý do trên thế giới, bên cạnh bảo hiểm trách nhiệm môi trường, các hãng bảo hiểm nước ngoài còn triển khai nhiều sản phẩm bảo hiểm xanh khác. Chẳng hạn, State Farm, Allstate (Mỹ) đã phát triển dòng bảo hiểm cho ô tô điện, xe lai. Mỹ còn triển khai cả chương trình riêng (như Pay As You Drive) để khuyến khích người dân giảm thiểu việc sử dụng xe. Nếu chiếc xe di chuyển trong khoảng cách ngắn hơn mức trung bình thì người được bảo hiểm sẽ có chiết khấu.

 

Việt Nam tuy chưa có dịch vụ nào tương tự nhưng thị trường ô tô điện ước đạt 1 triệu chiếc vào năm 2028, từ khoảng 1.000 chiếc hiện tại (theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xanh cho xe cơ giới.

Đối với bảo hiểm xanh cho bất động sản, ở Mỹ đã triển khai bảo hiểm ưu đãi phí cho các công trình đạt chứng nhận LEED hoặc chứng thực được vật liệu sử dụng thân thiện môi trường, dùng năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng. Hay sản phẩm bảo hiểm cho những dự án năng lượng tái tạo cũng được xếp vào loại hình bảo hiểm xanh.

Tuy nhiên, theo một công ty ở Mỹ, do thời tiết khắc nghiệt, thiết kế lỗi, nhất là do sử dụng linh kiện kém, lại thay đổi tiến độ, thay đổi chế độ bảo hành mà tần suất, mức độ nghiêm trọng của các vụ bồi thường bảo hiểm trong năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể. Đánh giá rủi ro và đề ra định phí bảo hiểm cho loại rủi ro này là đòi hỏi ưu tiên. Nhưng đây lại là nhiệm vụ khó khăn. Ví dụ, chỉ riêng việc tính rủi ro từ thời tiết khi sản xuất điện gió, Willis Towers Watson, một công ty môi giới ở Ireland, đã phải ngồi lại với các công ty bảo hiểm tham số hàng đầu thế giới mới tính ra được “Giải pháp bảo hiểm sản lượng điện gió theo tham số”.

Với mức độ phức tạp kể trên, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam chưa thể nhảy vào. Ngoài ra, bảo hiểm nông nghiệp xanh, bảo hiểm du lịch xanh... cũng chưa được chú ý ở Việt Nam. Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Phú, Tổng Giám đốc Siba Holdings - công ty đang nắm giữ hơn 40% vốn ở Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam, “quan điểm của Công ty là sẵn sàng tham gia bảo hiểm xanh nói riêng và các yêu cầu khác nếu điều đó giúp bảo vệ môi trường và giúp Công ty phát triển bền vững”.

Ông Phú xác nhận, các khoản đầu tư cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững có thể làm phát sinh chi phí nhưng Công ty cũng thu về những ích lợi rất lớn. Đó là gia tăng thương hiệu, thu hút dòng vốn rẻ và đa dạng như khoản đầu tư của IFC vào BaF. Xa hơn, theo ông Phú, khi chú ý bảo vệ môi trường, BaF thỏa mãn được các tiêu chuẩn của nhiều địa phương và có thể dễ dàng mở rộng trang trại ra các tỉnh, thành khác.

 

Thiếu khung pháp lý

Về bảo hiểm xanh, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), “dù các công ty bảo hiểm đã triển khai các sản phẩm như bảo hiểm trách nhiệm công cộng/trách nhiệm với bên thứ 3, có bao gồm phạm vi bảo hiểm về trách nhiệm môi trường nhưng với phạm vi bảo hiểm rất hẹp và chỉ bảo hiểm cho các sự cố bất ngờ, không lường trước chứ không bảo hiểm cho trường hợp ô nhiễm dần dần (gradual pollution)”.

Một số lý do khiến bảo hiểm xanh chưa thể phát triển ở Việt Nam như khung pháp lý và các quy định cho bảo hiểm xanh nói chung, bảo hiểm ô nhiễm môi trường nói riêng chưa cụ thể, chưa có quy định về phạm vi bảo hiểm, hạn mức trách nhiệm...

Ngoài ra, theo IAV, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh về bảo hiểm xanh còn chưa cao. Các sản phẩm bảo hiểm xanh ở Việt Nam chưa phong phú, chỉ dừng ở những sản phẩm bảo hiểm truyền thống nên doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa có động lực tích cực với bảo hiểm xanh. Các công ty như Fubon cũng rất dè dặt khi lưu ý khách hàng đọc kỹ vì “có thể khác biệt so với một số hợp đồng bảo hiểm khác”. Sản phẩm chia nhỏ tới 10 phạm vi bảo hiểm, với bản hướng dẫn dài tới 17 trang cùng 15 điểm loại trừ chung cho thấy mức độ chặt chẽ và không đơn giản của sản phẩm.

Các công ty không đề cập đến phí bảo hiểm cho môi trường nhưng với tính chất chuyên biệt, phức tạp của sản phẩm, chi phí thường sẽ cao hơn các sản phẩm phổ biến. Đơn cử, theo S&P Global Ratings, chỉ tính riêng chi phí bảo hiểm cho xe xanh tại Trung Quốc đã cao hơn 20% so với phương tiện truyền thống.

Cả phía nhà cung cấp lẫn khách hàng Việt Nam đều có lý do để chần chừ với sản phẩm bảo hiểm xanh. Nhưng với những yêu cầu mới về kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, bảo hiểm xanh nói riêng và tài chính xanh nói chung sẽ là xu thế nổi trội.

Theo chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 1/2023, bảo hiểm xanh là một trong những sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ được đẩy mạnh. Riêng đối với bảo hiểm ô nhiễm môi trường, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 08/2022 bắt buộc 17 loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có công suất lớn phải mua bảo hiểm.

Có thể bạn quan tâm 

Sóng tỉ USD vay dưới chuẩn