Bảo hiểm ngoại tăng tốc tại thị trường Việt Nam
Thua lỗ không làm nản lòng các nhà đầu tư ngoại trong liên doanh bảo hiểm như câu chuyện Aviva hay Sun Life. Ngược lại, họ đang ra sức tăng tốc.
Tăng cường M&A
VietinBank đã chính thức chuyển nhượng cổ phần của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank - Aviva cho Tập đoàn Bảo hiểm Aviva, cũng là đối tác trong liên doanh này, sau 6 năm kết giao.
Đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp thoái vốn khỏi liên doanh bảo hiểm và được chính đối tác mua lại. Trước đó, Công ty Cổ phần Bảo hiểm PVI đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của liên doanh PVI Sun Life cho Tập đoàn Sun Life (Canada). Liên doanh này gia nhập thị trường vào năm 2013.
Kể từ sau khi thành lập, cả hai liên doanh nói trên đều đẩy mạnh phát triển thị trường và đã có vị thế nhất định. Dù vậy, những lời chia tay đã được công bố khi đứa con chung đang trên đà lớn. PVI thì cho rằng việc thoái vốn nhằm tập trung cho lĩnh vực thế mạnh của mình là bảo hiểm phi nhân thọ. VietinBank thì không công bố lý do, nhưng có thể hiểu được phần nào nếu nhìn vào kết quả kinh doanh gần đây của liên doanh này.
Hiện liên doanh VietinBank - Aviva mới chỉ công bố báo cáo tài chính năm 2015. Theo đó, Công ty lỗ 214 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với con số 28 tỉ đồng năm 2014, trong khi doanh thu đạt gần 488 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần. Vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn 632 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ là 800 tỉ đồng (trong đó VietinBank góp 50%).
Thực tế, không chỉ mỗi liên doanh trên làm ăn thua lỗ, các liên doanh bảo hiểm khác cũng đối mặt với kết quả tài chính không khả quan sau vài năm gia nhập thị trường. Theo báo cáo của Công ty Bảo hiểm BIC (công ty con của Ngân hàng BIDV), BIDV Metlife - liên doanh giữa BIDV và Metlife - dự kiến khoảng thời gian thua lỗ lên đến 7 năm. VCLI thì báo lỗ gần 18 tỉ đồng, cho dù tổng doanh thu phí năm ngoái đạt hơn 156 tỉ đồng (tăng 87,4% so với năm 2015).VCLI là liên doanh giữa Vietcombank, BNP Paribas Cardif và SeABank với tỉ lệ vốn góp lần lượt 45%, 43% và 12%, chuyên phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh các cuộc chia tay là những thương vụ M&A hoặc liên doanh liên tục được công bố. Gần đây, Công ty Bảo hiểm Petrolimex (PGI) công bố kế hoạch phát hành hơn 17,7 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tương đương 20% vốn điều lệ. Số cổ phần này dự kiến được bán cho Samsung Fire and Marine Insurance (SFMI), một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường Hàn Quốc. Dự kiến sau khi phát hành, Petrolimex sẽ giảm tỉ lệ sở hữu từ 51% xuống còn gần 41%. Trước đó, hồi đầu tháng 1, Ngân hàng Quân Đội cũng ra mắt Công ty Bảo hiểm MB Ageas Life, có vốn điều lệ 1.100 tỉ đồng và cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đây là liên doanh giữa Ngân hàng Quân Đội và Tập đoàn bảo hiểm Ageas (Bỉ), Muang Thai Life Assurance (Thái Lan).
Mở rộng kênh phân phối
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có sức hút khó cưỡng đối với các doanh nghiệp ngoại khi mới chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm. Với mức thu nhập được cải thiện đáng kể trong nhiều năm, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo Cục bảo hiểm, năm 2016 tổng doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 49.677 tỉ đồng, tăng 29,8% so với năm trước đó; doanh thu khai thác mới đạt 16.753 tỉ đồng, tăng 26,3%.
Để đáp ứng quy mô tăng trưởng, bước tiếp theo của các công ty bảo hiểm ngoại là đẩy mạnh hệ thống phân phối. Sun Life Việt Nam, ngay sau khi thoát khỏi bóng liên doanh, đã tăng cường kênh phân phối qua đại lý và qua ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã khai trương 2 trung tâm ở TP.HCM và Đà Nẵng, 7 văn phòng ở miền Trung, miền Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ các công ty mới góp mặt ở thị trường Việt Nam, những công ty hiện hữu cũng đang tăng cường kênh phân phối. Hanwha Life Việt Nam gần đây khai trương đại lý mới ở Quảng Nam. Năm ngoái, công ty này mở thêm 24 điểm phục vụ khách hàng. Kế hoạch trong năm nay là 36 điểm, riêng quý I đã mở thêm 11 tổng đại lý, nâng số điểm phục vụ khách hàng lên con số 86.
“Mở rộng mạng lưới luôn là một mục tiêu quan trọng tại thị trường Việt Nam, giúp Hanwha Life đưa các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Back Jong Kook, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám Đốc Hanwha Life Việt Nam, cho biết. Theo đại diện Công ty, kênh đại lý truyền thống vẫn là kênh phân phối chủ lực và chiếm tỉ trọng doanh thu lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng thách thức hiện nay vẫn là ở phía đại lý (kiểm soát chất lượng và nâng cao thu nhập) và sự cạnh tranh giữa các đại lý bảo hiểm (dẫn đến biến động nhân sự và vài hệ lụy khác).
Một điểm đáng chú ý khác trong xu hướng này là các công ty bảo hiểm ngoại dường như hướng về các địa phương ngoài đô thị lớn, là những nơi có cơ hội mở rộng thương hiệu tốt hơn, đồng thời thiết lập sẵn cho cuộc đua đường dài (vì nhu cầu tham gia bảo hiểm ở các địa phương vẫn chưa thể bằng các thành phố lớn). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng hướng đến việc thiết kế văn phòng theo phong cách hiện đại, tạo không gian mới hơn dành riêng cho khách hàng. Năm ngoái, Prudential Việt Nam chấp nhận bỏ ra một năm để tái cấu trúc lại không gian giao tiếp với khách hàng.
Năm 2016, Hanwha Life ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 12 tỉ đồng, lần đầu tiên có lãi sau 8 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam. Theo ông Back Jong Kook, đó là nhờ doanh thu tăng trưởng tốt (tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 48%, trong đó doanh thu khai thác mới tăng 41% so với năm 2015), kiểm soát chi phí (giảm 20,3%) và tỉ lệ duy trì hợp đồng ở mức cao (70%). Với kết quả này, Công ty mạnh dạn đầu tư thêm đại lý để mở rộng kênh phân phối.
Với kênh bancassurance, Hanwha Life Việt Nam gần đây bắt tay với Woori Bank Việt Nam, một định chế tài chính cũng đến từ Hàn Quốc. Hơn nữa, sự kiện Shinhan Bank mua lại bộ phận ngân hàng ANZ Việt Nam cũng là cơ hội để công ty bảo hiểm Hàn Quốc khai thác sâu hơn danh sách 6 triệu khách hàng cá nhân Việt Nam hiện hữu. Thực tế, Hanwha Life đã có sự hợp tác với Shinhan từ nhiều năm trước đây. Bên cạnh đó, kế hoạch tương lai cũng không nằm ngoài các ngân hàng Việt. “Chúng tôi đã và đang xúc tiến việc hợp tác với nhiều ngân hàng tại Việt Nam”, ông Back cho biết.
Trong khi đó, gần đây Sun Life Việt Nam công bố chiến lược hợp tác với Timo, một dịch vụ ngân hàng số của VPBank, thông qua thương vụ mua lại 25% cổ phần của Crescent Asia Limited. Bằng cách này, Sun Life Việt Nam đang muốn tiếp cận nhiều hơn với giới trẻ, là khách hàng mục tiêu hiện nay của Timo.
Sau khi ra riêng, Sun Life Việt Nam bắt đầu tiến vào phân khúc khách hàng cá nhân nhiều hơn, bên cạnh sở trường sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Doanh thu phí bảo hiểm kênh tư vấn cá nhân của Sun Life Việt Nam năm ngoái tăng 70% so với năm 2015, theo thông tin từ công ty này. Đây là 2 dòng sản phẩm quan trọng làm nền tảng cho Sun Life Việt Nam, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội phát triển các kênh thương mại điện tử và hợp tác kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng trong thời gian tới, đại diện Sun Life Việt Nam cho biết.
Có thể thấy mỗi công ty bảo hiểm đang cố gắng tận dụng thế mạnh riêng để khai thác thị trường Việt. Ngoài việc mở rộng kênh phân phối, 2 yếu tố quan trọng còn lại để cạnh tranh chính là nhân sự và sản phẩm. Hướng đi của Sun Life Việt Nam là xây dựng đội ngũ “Tư vấn Tài chính được tôn trọng nhất”, Hanwha Life Việt Nam nhấn mạnh đến chất lượng dịch vụ và mạng lưới phục vụ khách hàng, trong khi Công ty Bảo hiểm FWD (mua lại Great Eastern Việt Nam vào giữa năm 2016 và đổi tên), lại tập trung vào sự thay đổi của sản phẩm khi ra mắt.
Việt Dũng