Ảnh: TL

 
Hoa Anh Thứ Ba | 10/12/2019 14:00

Bảo hiểm “chơi” dữ liệu lớn

Đang có một cuộc đua áp dụng công nghệ giữa các công ty bảo hiểm tại Việt Nam.

Trong lúc chờ đợi một kho dữ liệu dùng chung được cung cấp bởi tất cả các bên tham gia, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đang ứng dụng các công nghệ thời thượng như A.I (trí tuệ nhân tạo) hay Machine Learning (máy học), thay đổi dần cách thức kinh doanh truyền thống xoay quanh dữ liệu của ngành.

Cuộc đua công nghệ

Cuối tháng 11 vừa qua, Hanwha Life Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh bảo hiểm với Thebank.vn, website tư vấn tài chính trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, cho phép so sánh các sản phẩm như thẻ tín dụng, vay vốn, gửi tiết kiệm và các sản phẩm bảo hiểm. Trước đó, Hanwha Life Việt Nam đã chính thức hợp tác với GoBear Việt Nam, cũng có chức năng gần như tương tự. Hãng bảo hiểm nhân thọ đến từ Hàn Quốc kỳ vọng sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian hơn trong việc chọn sản phẩm phù hợp.

Các công ty bảo hiểm cũng đẩy mạnh số hóa kênh phân phối để đem lại nhiều tiện lợi hơn cho khách hàng. Chẳng hạn, FWD phân phối sản phẩm qua sàn thương mại điện tử Tiki hay Manulife liên kết với Shopee.

 

Mở thêm kênh phân phối chỉ là một trong số những bước đi chiến lược của các công ty bảo hiểm trong xu hướng áp dụng công nghệ vào ngành, vốn đang thay đổi rất nhanh. Cụ thể, Prudential giới thiệu chatbot hỗ trợ thông tin, ứng dụng GenVita của Generali là kênh bán hàng và hỗ trợ khách hàng nhiều dịch vụ khác nhau, Manulife thì giới thiệu eClaims, được quảng cáo khách hàng trong vòng 1 phút có thể nhận phản hồi về kết quả bồi thường.

Cuộc đua dữ liệu

Công nghệ đang được áp dụng ở nhiều khâu trong ngành bảo hiểm, như số hóa các hoạt động theo quy trình, từ đầu vào đến giải quyết bồi thường đầu ra. Tuy nhiên, một điểm chung là công nghệ đều liên quan đến việc xử lý dữ liệu.

Thực tế, dữ liệu được xem như là một nhân tố đầu vào không thể thiếu đối với các công ty bảo hiểm. Mỗi người sẽ có một mức phí bảo hiểm khác nhau tùy thuộc vào nhiều đặc điểm như độ tuổi, sức khỏe, thu nhập, hành vi... Ngành bảo hiểm cần rất nhiều dữ liệu đầu vào khác nhau để có thể “định giá” người mua bảo hiểm. Dữ liệu còn được thu thập cho hoạt động bán hàng, quảng cáo, xác minh bồi thường, hoặc tăng trải nghiệm khách hàng hiện hữu và khách hàng tiềm năng.

 

Xu hướng công nghệ trên thế giới hiện nay đã đi tới khả năng có thể tìm kiếm dữ liệu từ nhiều nguồn để phân tích, đề xuất sản phẩm phù hợp nhất cho người cần mua bảo hiểm, tức để “máy móc” đề xuất thay vì con người như trước đây, đưa ra các sản phẩm “may đo” theo nhu cầu của từng khách hàng.

Theo ông Jerry Ho, Giám đốc Chiến lược Kinh doanh, Định phí và PR, Cathay Life Việt Nam, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ được cá nhân hóa. Theo đó, 80% người tiêu dùng đang tìm kiếm các đề nghị, thông điệp, giá cả và đề xuất được cá nhân hóa từ các nhà cung cấp bảo hiểm ô tô, nhà hoặc bảo hiểm nhân thọ của họ. Về góc độ người dùng, thống kê cũng cho thấy có đến 77% khách hàng sẵn sàng cung cấp dữ liệu sử dụng và hành vi để đổi lấy phí bảo hiểm thấp hơn, giải quyết khiếu nại nhanh hơn hoặc đề xuất bảo hiểm.

 

Theo báo cáo Ngân hàng trong tương lai - Tài chính trong kỷ nguyên số do Giáo sư Markos Zachariadis thực hiện cho Tập đoàn HSBC, khách hàng sẽ gia tăng mức độ quản lý dữ liệu cá nhân thông qua hồ sơ nhận diện kỹ thuật số. “Bằng cách nắm vững các nguồn dữ liệu mới và công nghệ phân tích, ngân hàng có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nhu cầu của khách hàng cũng như cách thức có thể hỗ trợ họ và khai phá các nguồn doanh thu mới”, báo cáo nhận định. Cùng là sản phẩm tài chính, ngành bảo hiểm nhân thọ cũng có diễn biến tương tự. Hanwha Life mới đây đã thành lập bộ phận phân tích dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ cho hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng. “Dự kiến, bộ phận này sẽ tách thành công ty riêng và chính thức hoạt động trong năm tới”, đại diện Hanwha Life cho biết.

Tại Việt Nam, một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tương lai ngành bảo hiểm cũng có liên quan đến vấn đề dữ liệu, đó là kho dữ liệu dùng chung của ngành bảo hiểm, được quy định rõ trong Nghị định 165 của Chính phủ ban hành năm 2018.

“Yêu cầu đặt ra đối với dữ liệu dùng chung của ngành bảo hiểm là vừa để quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh”, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, chia sẻ tại Diễn đàn và Triển lãm quốc gia Bảo hiểm Việt Nam được tổ chức tháng 11 vừa qua.

Bên cạnh dữ liệu dùng chung, Nghị định 165 còn cụ thể hóa tối đa các nội dung xoay quanh chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính, đặc biệt là phương thức xác thực chứng từ điện tử được công nhận bên cạnh chữ ký số, là nền tảng giúp bảo hiểm giảm bớt giấy tờ trong quy trình hoạt động.

Nhờ vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể khai thác lợi ích của giao dịch điện tử, hệ thống công nghệ thông tin để tạo lợi thế cạnh tranh và sáng tạo các loại hình sản phẩm mới ứng dụng công nghệ. “Đây là Nghị định đã khá toàn diện và rộng đường cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển”, ông Trung nhận định.

►Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành

Vì sao ngân hàng vẫn khó thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm: 11.300 tỷ đồng vs 21 tỷ đồng