Lao động chờ rút bảo hiểm tại TP. Thủ Đức.
Bảo hiểm cho tương lai “2 không”
Càng gần thời điểm Tết, tại thành phố Thủ Đức dòng người lũ lượt xếp hàng chờ nhận bảo hiểm xã hội một lần càng đông. Đây là nhóm người trong số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động thống kê tại 44 tỉnh, thành, chủ yếu từ giữa năm đến cuối tháng 11/2022, cho thấy có 472.000 công nhân bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khó khăn, trong đó 41.500 người mất việc (chiếm 8,8%). Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2022 ước khoảng 895.500 người, tăng 3,7% so với năm 2021.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gia tăng. Cùng với đó là nguy cơ ảnh hưởng tới mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, mở rộng bao phủ về tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không đạt được. Nhìn ở góc độ vĩ mô, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm liên quan già hóa dân số mà nếu không có kế hoạch dài hơi, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực trong tương lai với nhóm lao động “2 không”: không việc làm, không lương hưu.
Chưa sẵn sàng cho già hóa
“Khi nhắc đến già hóa, phần đông người dân đều mặc định khái niệm này thuộc về thế hệ của cha mẹ mà quên mất rằng, chỉ 10-15 năm nữa, thế hệ 30-44 tuổi hiện nay cũng bước vào giai đoạn già hóa”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định. Một khảo sát phối hợp giữa Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học và Prudential thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già ở nhóm tuổi từ 30-44 chưa cao, nhất là về sức khỏe và tài chính. Cụ thể, hơn 67% người mong muốn có cuộc sống độc lập hoàn toàn khi về già nhưng chỉ có 22% dự định chuẩn bị tài chính cho cuộc sống từ 50 tuổi trở lên.
Nguyên nhân chính là do người dân chưa có sự ổn định về tài chính. Cả nước hiện chỉ có 33,2% người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Và trước thực trạng kinh tế ngày càng khó khăn, các chuyên gia đều có chung nhận định “90% người lao động vẫn sẽ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để xoay xở tạm thời”. Và khi chọn giải pháp này, người dân đối mặt với rất nhiều rủi ro. Không chỉ nhận tiền ít hơn số đóng vào, về già người lao động không có lương hưu, sống phụ thuộc người thân; mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... Bên cạnh đó, người lao động bước qua tuổi 40, 45 ở các ngành thâm dụng lao động rất khó tìm được công việc mới.
Tiến sĩ Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nhận định, nguồn lực tích lũy của dân số vẫn còn hạn chế, hệ thống an sinh non trẻ, cơ chế chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vẫn chưa phát triển mạnh sẽ tạo nhiều áp lực cho nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường việc làm đến gánh nặng cho ngành y tế.
Đường dài hóa giải nỗi lo
Để hóa giải nỗi lo già hóa, ở cập độ vĩ mô, theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần nâng cao chất lượng dân số, khuyến khích duy trì tỉ lệ sinh, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa tầng. Việt Nam đang áp dụng bảo hiểm xã hội đa tầng nhưng vẫn còn “tầng” cuối là hưu trí bổ sung dành cho người dân chưa thực hiện được. Tiếp đến, cần khắc phục rủi ro, trợ giúp thường xuyên cho nhóm yếu thế gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Bên cạnh đó, để người dân nâng cao nhận thức về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cơ quan quản lý cần có kế hoạch bài bản, cụ thể.
Ở góc độ cá nhân, các chuyên gia tài chính cho rằng, ngay từ bây giờ, người trẻ cần lên kế hoạch tài chính cho bản thân. Cách hiệu quả nhất là chia tiền lương hằng tháng thành nhiều khoản, trong đó có những khoản dành cho việc chăm sóc sức khỏe như mua bảo hiểm ngoài hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; gửi tiết kiệm hoặc đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất này gần như bất khả thi với lao động thuộc các ngành thâm dụng lao động lương thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.
Ông Long cho rằng, để giải quyết được bài toán vĩ mô này, Nhà nước cần có những chính sách thiết thực hơn để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, thay vì tiến hành một cuộc cải cách lớn về thuế để giải tỏa áp lực già hóa đè nặng lên nền kinh tế. Ông Long lấy ví dụ ở Thái Lan và Trung Quốc - 2 quốc gia già hóa điển hình. Nhiều năm nay, chính phủ 2 quốc gia này đã khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi. Chẳng hạn, bố mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, con cái sẽ được hưởng các ưu đãi khi chăm sóc y tế; hoặc cả nhà trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng ưu đãi từ 30-40%. Chính sách này không chỉ làm tăng mức độ tham gia bảo hiểm xã hội lên 30% mà còn góp phần hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân.