Thứ Năm | 11/04/2013 17:35

Báo động xâm mặn tại ĐBSCL

Hiện tại, nước biển đã xâm thực rất sâu vào đất liền, gây thiệt hại cho hàng ngàn ha lúa tại Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre.
Theo các cơ quan chức năng tại các tỉnh thuộc ĐBSCL, nước mặn đã xâm thực vào đất liền có nơi lên tới 40-50km, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, theo khảo sát của ngành nông nghiệp Bến Tre, đã có hơn 2.000 ha lúa hè - thu muộn và lúa xuân - hè bị nước mặn xâm thực.

Tại tỉnh Sóc Trăng, đã có 1.800 ha lúa xuấn hè bị mất trắng do xâm mặn, 500 ha trong tình trạng nguy kịch và 700 ha đang có nguy cơ bị xâm mặn.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về quá ít cộng với thời tiết nắng gay gắt nên nước mặn xuất hiện sớm và lấn sâu vào nội đồng. Mức độ xâm nhập mặn năm nay được dự báo sẽ cao hơn năm trước, nên các địa phương cần có kế hoạch để chủ động hành động, ứng phó.

ĐBSCL được xem là vùng nhạy cảm nhất của khu vực Đông Nam Á trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng cao thêm 65 cm thì 12,8% diện tích đất tại ĐBSCL bị ngập. Nếu mực nước dâng thêm 75 cm, diện tích bị ngập sẽ là 19% và nếu nước biển dâng thêm 100 cm thì diện tích bị ngập sẽ lên đến 37,8%.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện